Lo tư nhân tham gia hệ thống truyền tải làm giá điện tăng

Về phạm vi sửa đổi của luật điện lực trong 1 luật sửa nhiều luật, các đại biểu đề nghị cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào thì giao Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện.

Về phạm vi sửa đổi của luật điện lực trong 1 luật sửa nhiều luật, các đại biểu đề nghị cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào thì giao Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện; quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư; quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư, tránh làm tăng giá điện.

Nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống truyền tải và sự cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, các ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại việc xã hội phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn toàn trong truyền tải. 

Ông Trần Quang Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Nếu Nhà nước quản lý, vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Chính vì thế, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia xã hội hóa để có quản lý rõ ràng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cùng được hưởng lợi.

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện truyền tải cần phải có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng để tránh gây ra hậu quả sau này. Vấn đề tiếp theo liên quan đến giá điện. Trong tờ trình có nêu việc tư nhân hóa tại một số nước dẫn đến giá điện có lúc rất cao. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng. Trong tờ trình có đề cập đến kinh nghiệm của Brazil.

Đồng tình với những ý kiến băn khoăn của đại biểu đặc biệt là vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia, những vấn đề liên quan đến sự cố khi cho phép các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành, tuy nhiên đại biểu Tạ Đình Thi, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng  hiện nay nhà nước đang kiểm soát hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải thông qua quy hoạch, cấp phép, quản lý;  vận hành thông qua công cụ điều độ, điều tiết điện lực hiện nay do nhà nước độc quyền; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động truyền tải.

Ông Tạ Đình Thị: Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Về quy hoạch, hiện nay theo báo cáo giải trình của Chính phủ sẽ xem xét để trên cơ sở đó quy định rõ danh mục đầu tư do nhà nước trực tiếp. Danh mục các dự án đầu tư do thành phần kinh tế tư nhân sẽ đầu tư. Việc giải quyết các sự cố thì tiêu chí N1 để áp dụng cho việc đánh giá các sự cố trên hệ thống điện quốc gia, tức là khi một sự cố xảy ra thì cần phải xử lý ngay, vai trò của hệ thống điều độ và điều tiết điện lực do nhà nước độc quyền thông qua việc quản lý, đặc biệt là Trung tâm điều độ hệ thống điện lực quốc gia thực hiện các giải pháp để đáp ứng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị song song với quá trình đó, cần nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Điện lực hiện hành để đồng bộ với các luật có liên quan, xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Phạm Văn Hoà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong thực tiễn hiện nay có nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xã hội hóa phát triển điện, việc xây dựng, phát triển thị trường điện là phải công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ngành điện và khách hàng sử dụng điện, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia phát, phân phối và mua bán điện.

Ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Để thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị thì còn khá nhiều vấn đề phải làm, ví dụ như câu chuyện về năng lượng sạch, giá, hợp đồng điện, rất nhiều các nội dung. Bây giờ Chính phủ đang làm đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một số đại biểu đề nghị cần quy định rõ về cơ chế định giá, phương pháp định giá trong dự thảo luật, bởi hệ thống lưới điện truyền tải là một trong những loại tài sản và trên thực tế thời gian qua cũng đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Để luật đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị các quy định này cần được nghiên cứu, đánh gía tác động đảm bảo hiệu quả quản lý.