Trình Quốc hội xem xét 04 chuyên đề giám sát

Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát”. Đây là nhấn mạnh của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khi trình bày báo cáo Dự kiến Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2023.

Báo cáo kết quả Chương trình Giám sát năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, xuất phát từ tình hình thực tế là năm chuyển giao giữa 02 nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tiến hành giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tổ chức chất vấn tại các phiên họp. Thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách, góp phần thúc đẩy và hoàn thiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Về xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022, việc triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm đổi mới so với thông lệ, đó là: Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia. Nếu như trước đây, Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tiến hành giám sát ở các địa phương mà Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đến tiến hành giám sát trực tiếp thì bây giờ, các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 04 chuyên đề.

Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, có 4 chuyên đề được trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Bao gồm:

- Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

- Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Kiến nghị một số giải pháp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng”, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.