Trình Quốc hội 4 nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường

Sáng 04/1/2022, ngay sau phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về các nội dung: Chính sách tài khóa, tiền tệ; Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật và Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, sử dụng chính sách tài khoá tổng quy mô 291 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240 nghìn tỷ đồng. Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng. Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022. Tăng tối đa 38.400 tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần xác định rõ và bổ sung quan điểm việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển;  Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022-2023). Báo cáo thẩm tra cũng tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 02 năm thực hiện Chương trình.

Dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm 729 km, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành, sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Dự án xác định đến cuối năm 2025 thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

UBKT của Quốc hội cho rằng: đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công là có cơ sở, đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo Kế hoạch. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để công trình về đích đúng tiến độ. Để thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ cần làm rõ cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí, khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế,....của việc thu phí các các công trình giao thông.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, Chính phủ đề xuất sửa đổi điều 17 và 25 của Luật đầu tư công ; Sửa đổi, bổ sung  điều 12 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;  Sửa đổi điểm c, khoản 1, điều 75 của Luật Đầu tư:  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị phải quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án. Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022, để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Dự thảo Nghị đề xuất bổ sung có mục tiêu, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất chính sách xã hội hoá nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; Đối với 2 chính sách về xã hội hoá nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, để bảo đảm phát triển bền vững, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trên nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái; đề cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút thực chất và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế đặc thù.