Triển vọng đàm phán Nga – Ukraine lần thứ 4

Theo thông tin mới nhất, cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine lần thứ 4 diễn ra vào ngày 14/3 theo giờ địa phương, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Dù căng thẳng trên thực địa chưa có dấu hiệu lắng dịu, nhưng cùng với các nỗ lực ngoại giao quốc tế, việc Nga và Ukraine không từ bỏ đối thoại đã một lần nữa cho thấy cơ hội cho ngoại giao vẫn chưa khép lại.

Trong bài phát biểu hàng ngày của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, các quan chức Ukraine đang đàm phán với phái đoàn Nga có nhiệm vụ đảm bảo tổ chức được các cuộc hội đàm trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước nhằm mang đến hòa bình.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: “Đây là một con đường khó khăn nhưng lại là con đường cần thiết. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo Ukraine có được một kết quả cần thiết cho chúng tôi, cần thiết cho hòa bình và an ninh.”

Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ mong muốn được đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga, người quyết định cuối cùng cho các nội dung đàm phán. 

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán trực tiếp. Dù chưa có văn bản nào được ký kết, song các vòng đàm phán đã dẫn đến việc thiết lập các hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường Ukraine, cũng như thảo luận về triển vọng ngừng bắn tạm thời đối với những khu vực xung quanh các hành lang nhân đạo.

Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma quốc gia Nga cho rằng đã có những tiến bộ đáng kể nếu so sánh lập trường của cả hai bên ở thời điểm bắt đầu đàm phán. Ủy ban cũng kỳ vọng những tiến triển này có thể phát triển hơn nữa trong vài ngày tới để phái đoàn đàm phán hai nước có thể đạt được lập trường chung với các thỏa thuận sẽ được ký kết.

Nga giữ lập trường về chiến dịch tại Ukraine

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga sẽ không yêu cầu Mỹ và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vì áp lực từ phương Tây và nhiều nước trên thế giới sẽ không thay đổi đường lối của Moscow.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cả Mỹ và EU đều đã rất cố gắng áp đặt nhiều nhất lệnh cấm vận nhằm vào Moscow, tuy nhiên, Chính phủ Nga sẽ không yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt vì chúng hoàn toàn không hợp pháp và không có tác dụng gây sức ép. Thay vào đó, nước Nga sẽ tập trung đẩy mạnh tiềm lực kinh tế quốc gia cũng như khả năng phát triển độc lập. 

Vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga gồm có các biện pháp hạn chế tài chính, đóng cửa không phận cùng nhiều chính sách cô lập khác. Một số chính trị gia và doanh nghiệp Nga, cũng như các tổ chức truyền thông và tài chính, đã phải hứng chịu lệnh đóng băng tài sản hoặc cấm hoạt động.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn đa quốc gia  như Microsoft, Apple, Sony, … và nhiều công ty khác, đã tạm ngừng hoạt động hoặc rời khỏi thị trường Nga để chờ chiến dịch quân sự kết thúc.

Ngọc Anh