Triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH - coi đây là tiêu chí đánh giá người đứng đầu

Hoạt động đầu cơ, môi giới gây sốt ảo được cho là những lý do khiến giá đất tăng mạnh thời gian qua. Đề nghị Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế; quyết tâm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023 là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên họp thứ 11.

Một số đại biểu cho rằng việc sử dụng đất tại một số nơi hiện còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai...ngoài ra cần tăng cường hiệu quả năng lực của toà hành chính để giải quyết khiếu nại về đất đai. 

Bà LÊ THỊ NGA - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: Trong việc sử dụng đất đai còn có lãng phí, nhiều nơi đất đai để lâu không đưa vào sử dụng. Khiếu nại, tố cáo về đất còn nhiều và diễn biến phức tạp. Hiện nay khiếu nại, tố cáo về đất chiếm gần 70% trong tổng số các khiếu nại. Chúng tôi đề nghị cần tăng cường hiệu quả, năng lực của Tòa hành chính để góp phần cùng với con đường khiếu nại hành chính thì cần phải khuyến khích để người dân qua tòa hành chính. Muốn vậy Tòa hành chính phải có độ hấp dẫn và năng lực, hiệu quả của Tòa hành chính phải được nâng cao để giải quyết bớt tình trạng khiếu nại về đất đai.”

Đối với vấn đề cổ phần hoá thoái vốn chậm và không hoàn thành kế hoạch, tỉ lệ thu thấp, đại biểu đề nghị cần chỉ rõ những vướng mắc để giải quyết vấn đề này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Cổ phần hóa, thoái vốn thì nói rất nhiều năm, quá chậm và không hoàn thành kế hoạch. Bây giờ nó vướng pháp luật chính sách là vướng cái gì? Cái nào chỉ đạo thực hiện không quyết liệt. Cần xem xét để kết luận là có lãng phí nguồn lực hay không? Chắc chắn là có lãng phí, lãng phí, định mức độ nào?”

Với chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, một số đại biểu cho rằng đến hết ngày 28/4 tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,8% thấp hơn tỉ lệ tham gia ở thời điểm cuối năm 2021 và thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 92%. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các bên liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Bà NGUYỄN THUÝ ANH - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội: "Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ phải chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đơn giản hóa phương thức đóng và mua bảo hiểm y tế tự nguyện nhằm đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội giao, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, tránh để tình trạng mất cân đối quỹ.

Một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, nhất là để đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Vì vậy Chính phủ cần lưu ý tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; bao phủ tiêm vaccine phù hợp; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh; đảm bảo nguồn cung, kiểm soát chặt chẽ mua, sử dụng thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và người lao động.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, các chính sách an sinh xã hội; mở cửa trở lại trường học phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học; tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng chống tham nhũng, tội phạm; bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ lập, duyệt các quy hoạch; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ."

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật tập trung cho một số luật quan trọng thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Anh Đức