Trẻ tử vong do đuối nước, trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi để xảy ra đuối nước là vấn đề được thành viên đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội quan tâm tại buổi làm việc với tại UBND tỉnh Đắk Lắk về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em”.

Từ năm 2016 đến 06 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã có  422 trẻ em tử vong do đuối nước. Số trẻ em đuối nước đang gia tăng đáng báo động. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng, thành viên đoàn công tác đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm những người để xảy ra trình tạng tử vong do tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ.

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: “Chính phủ đã có nghị định 130 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em. Trong đó, cũng có xác định trách nhiệm của các đối tượng có liên quan về đến việc để xảy ra vụ việc tai nạn thương tích ở trẻ em, cũng mong địa phương nghiên cứu, sử dụng quy định này khi cần thiết để xác định những vi phạm hành chính trong trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.” 

Ông TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: “Không chỉ nhận thức trong nhân dân mà còn nhận thức chính quyền cơ sở chưa hết, chưa thấy trách nhiệm, chưa thấy được mạng sống con người là lớn lao.” 

Bà H YIM K’ĐOH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: “Chúng ta tăng cường bồi dưỡng giáo viên để các em có đủ kỹ năng bảo vệ bản thân trước ao, hồ, sông suối, tăng cường quan tâm cán bộ cấp xã, phường và sẽ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo yêu cầu của đoàn.” 

Đoàn công tác cũng đề nghị, tỉnh cần đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống đuối nước ở trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại 02 công trình có cảnh báo phòng, chống đuối nước và 01 hồ bơi tại huyện Cư M’gar. 

Thực hiện : Kim Liên Việt Bảo