Một trong những ách tắc lớn nhất hiện nay của Luật thi hành án dân sự chính là việc phải tiến hành xử lý một cách tuần tự quy định về cơ chế uỷ thác, xử lý tài sản.
Một trong những ách tắc lớn nhất hiện nay của Luật thi hành án dân sự chính là việc phải tiến hành xử lý một cách tuần tự quy định về cơ chế uỷ thác, xử lý tài sản. Cụ thể, trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ được ủy thác cho cơ quan thi hành án khác khi đã xử lý xong các tài sản tạm giữ, thu giữ, kê biên trên địa bàn có liên quan đến việc ủy thác. Tại phiên thảo luận sáng 10/1, xung quanh đề xuất sửa đổi tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới nội dung này của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm, tranh luận của các đại biểu.
Việc sửa đổi, bổ sung điều 55, 56, 57 của Luật Thi hành án dân sự nhằm quy định làm rõ hơn trường hợp uỷ thác thi hành án từng phần; với cơ chế uỷ thác xử lý tài sản thì cho phép trường hợp để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Điều này sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành án, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc dân sự, kinh tế nhưng giá trị thi hành lớn.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi xin tranh luận với ý kiến của đại biểu phát biểu trước cho rằng việc chọn cơ chế ủy thác, xử lý tài sản để sửa trong Luật Thi hành án dân sự chưa phải là vướng mắc lớn. Tôi thấy rằng với cách tiến hành tuần tự hiện nay có 3 hệ lụy. Hệ lụy thứ nhất là dẫn tới thời gian thi hành một bản án kéo rất dài bởi vì chỉ cần một tài sản bị tắc, vướng là không thể ủy thác cho các tỉnh tiếp theo. Hệ lụy thứ hai, dẫn tới gây thiệt hại trực tiếp cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp được thi hành án. Bởi vì, có những bất động sản nếu để lâu còn có thể giữ nguyên được giá trị, nhưng đối với những động sản, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất mà để lâu, đắp chiếu nhiều năm như thế này thì chắc chắn sẽ dẫn đến giảm giá và mất giá trị rất lớn. Hệ lụy thứ ba rất quan trọng là ảnh hưởng trực tiếp đến người có nghĩa vụ thi hành án.
Nhấn mạnh, ách tắc trong thi hành án dân sự hiện nay là rất trầm trọng, một năm có thể tăng lên ít nhất 20% số lượng án, trong khi cán bộ thi hành án thì không tăng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đoàn Hà Nội tranh luận, đề xuất sửa đổi của Chính phủ như hiện tại mới chỉ tháo gỡ một phần, cần tính toán đến phương án sửa đổi mang tính chất toàn diện hơn.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Chúng ta phải tháo nút thắt thi hành án dân sự trong tất cả các vụ án dân sự và thương mại. Vậy phải tháo nút thắt bằng cách nào? Thì tôi đề nghị là phải đẩy mạnh xã hội hoá trong thi hành án dân sự. Tôi đề nghị Quốc hội có thể sửa đổi bổ sung xã hội hoá mạnh mẽ hơn nữa cho nhiều chủ thể khác có kỹ năng nghiệp vụ như luật sư, luật gia trợ giúp pháp lý. Các cơ quan thi hành án dân sự không thể chỉ uỷ quyền cho các cơ quan thi hành án dân sự thuộc nhà nước mà phải cho xã hội hoá câu chuyện này”.
Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo cơ chế hiện hành thì ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản, phải làm tuần tự. Chẳng hạn một tỉnh chủ trì thi hành án nhưng tài sản ở nhiều tỉnh khác nhau thì phải làm xong chỗ này mới sang chỗ khác, dẫn đến rất khó để xử lý. Do đó, cần tiến hành sửa đổi cho cơ chế làm cùng một lúc. Đối với việc ủy thác thi hành án thì cơ quan ra quyết định thi hành án chịu trách nhiệm đến cùng, còn cơ quan thi hành án dân sự khác được ủy thác xử lý tài sản thì không phải ra quyết định thi hành án nữa mà chỉ tiến hành xử lý, nộp tài sản về cho cơ quan chủ trì.