Tranh cãi xung quanh vấn đề tài chính khí hậu tại COP27

Vấn đề đóng góp tài chính giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu lại một lần nữa nóng lên tại Hội nghị Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu COP27. Theo các chuyên gia, sự thất bại trnog việc cung cấp các khoản tài trợ cho tới nay đã “ăn mòn” lòng tin của cộng đồng quốc tế, và rất có thể sẽ làm suy yếu toàn bộ nỗ lực của Liên hợp quốc.

Báo The Guardian của Anh có bài phân tích “Cuộc đàm phán về tiền bạc: Vì sao tài chính khí hậu tại COP27 là chìa khóa để đánh bại tình trạng nóng lên toàn cầu”. Theo bài viết, vấn đề tài chính khí hậu trước đây là một chủ đề “cấm kỵ” trong nhiều thập kỷ, nhưng với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, nhiều quốc gia đã lên tiếng khẳng định nó cần phải được giải quyết.

Bài viết chỉ ra rằng, tài chính khí hậu có 3 mục đích là cắt giảm lượng khí thải, thích ứng với khủng hoảng khí hậu và chi trả cho những tổn thất và thiệt hại. Vấn đề ở đây là các nước giàu gây ra khủng hoảng khí hậu, nhưng các nước đang phát triển và những nước nghèo, với lượng phát thải khí cacbon thấp, lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bài viết cũng chỉ ra một số ý tưởng để huy động tài chính, chẳng hạn như đánh thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch. Nhưng nếu tài chính khí hậu được huy động dưới hình thức cho vay, điều này chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài ở những nước nghèo. Dẫn lời chuyên gia tài chính khí hậu Kate Levick, cho rằng tài chính là vấn đề vô cùng quan trọng đối với Cop27. Việc giải quyết vấn đề này sẽ là chìa khóa để tiếp tục duy trì diễn đàn Liên hợp quốc, những nỗ lực thúc đẩy hành động vì khí hậu.

Trong khi đó, một bài viết khác được hãng tin Aljazeera đăng tải có tiêu đề “Vì sao tài chính có thể tạo nên hoặc phá vỡ COP27?”. Bài viết cho hay, cuộc họp COP27 năm nay được đặt tên là “COP Châu Phi”, không phải vì đây là châu lục của nước chủ nhà, mà vì nơi đây đang ngày càng hứng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhất trong khi lượng phát thải khí CO2 ở đây chỉ chiếm khoảng 3% lượng khí CO2 toàn cầu. Tuy nhiên, tác giả nhận định rằng cấu trúc tài chính mới là vấn đề lớn nhất khi đang bị mất cân bằng.

Hầu hết các hỗ trợ tài chính đều được hứa hẹn dưới hình thức cho vay, khiến một số quốc gia nghèo nhất thế giới phải gánh khoản nợ rất lớn. Do vậy, bài viết cho rằng, COP27 nên tập trung vào tài chính khí hậu cùng với các lĩnh vực chiến lược khác. Lần này, các nước giàu cần phải có ràng buộc pháp lý để tuân thủ các cam kết của mình. Ngoài ra, COP27 cần thiết lập một cơ sở tài chính tập trung vào tổn thất và thiệt hại, và cần nhanh chóng vận hành nó.