• 3375 lượt xem
  • 04:28 22/05/2022
  • Xã hội

Đào tạo nghề - Cánh cửa được mở lại cho phạm nhân từng lầm lỡ

Có việc làm ổn định sau khi hoàn thành việc chấp hành án là mong mỏng của nhiều phạm nhân. Những năm qua, nhờ thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề nghiệp trong trại giam mà nhiều cánh cửa được mở lại, giúp những người từng lầm lỡ có cuộc sống tốt sau khi được tái hoà nhập với cộng đồng. Ghi nhận của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại Trại giam Nghĩa An, tỉnh Quảng Trị.

Phóng viên VÕ LINH:Trên tay tôi là chiếc áo đầu bến được dành cho thị trường tại Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính nhất về mặt hàng may mặc, tuy nhiên điều đặc biệt hơn, sản phẩm này được chính tay các phạm nhân thuộc phân trại số 3 trại giam Nghĩa An làm ra.

Để trở thành một người thợ lành nghề, những phạm nhân này đã phải trải qua nhiều thời gian đào tạo – một môi trường học tập đặc biệt: trong trại giam. Khi đã có nghề trong tay, họ yên tâm để cải tạo và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống sau khi chấp hành xong bản án.

Phạm nhân NGUYỄN TRUNG HIẾU - Trại giam Nghĩa An - Bộ Công an: “Tôi mong muốn các cán bộ ở đây tạo điều kiện hơn cho chúng tôi nữa để chúng tôi có một nghề nghiệp ổn định. Sau khi chấp hành án trại giam xong về lại địa phương trở thành người có ích cho xã hội.”

Từ năm 2020 đến nay, Trại giam Nghĩa An đã tổ chức lao động, dạy nghề cho gần 3.000 phạm nhân. Trong đó tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ lao động cho 400 phạm nhân với 5 ngành nghề gồm kỹ thuật xây dựng; gia công thiết kế sản phẩm mộc; chạm khắc; hàn và gia công cơ khí; may công nghiệp...Nhiều phạm nhân sau khi trở về đã thành lập xưởng sản xuất bằng chính nghề học được từ trại giam. 

Anh ĐỖ XUÂN TRỰC - Xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị: “Đối với bản thân tôi lúc trước có sai lầm. Sau khi được học tập, cải tạo trong này thì trại giam hướng dẫn cho tôi rất nhiều và dạy cho tôi cái nghề. Và sau khi tôi trở về nhờ cái nghề trại đào tạo thì tôi đã có công việc ổn định. Có được cuộc sống bình thường. Tôi hi vọng anh em sau này hết án thì có được cái nghề như tôi và trân trọng nó.”

Thượng tá ĐỖ HUYỀN TÂM - Giám thị trại giam Nghĩa An - Bộ Công an: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng liên kết, liên doanh với các đối tác đẩy mạnh công tác giáo dục dạy nghề cho phạm nhân, truyền nghề cho phạm nhân hơn. Mô hình chúng tôi mong muốn để có nơi tạo nghề cho phạm nhân nhằm tái hòa nhập cộng đồng những ngành nghề ổn định giảm thiểu tái phạm thì cần sự phối hợp liên doanh liên kết với các đối tác và đặc biệt các môi trường ngoài trại giam để có điều kiện lao động dạy nghề truyền nghề cho phạm nhân tốt hơn.”

Đào tạo nghề cho phạm nhân là chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Thực tế cho thấy công tác này đã phát huy hiệu quả cao, giúp mở ra cánh cửa mới để những người trở về được đóng góp cho xã hội .

Công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác này, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội là một trong những nội dung được đề cập trong Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Võ Linh