Tràng An - Điểm sáng mô hình hợp tác công tư trong xã hội hoá di sản

“Xã hội hoá trong di sản” không đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên thiên nhiên, kinh nghiệm quản trị, mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững, lâu dài, có khả năng thích ứng và hướng tới tăng trưởng xanh.

Cách Hà Nội khoảng 100 km, Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình không chỉ là đại diện của một Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á mà còn là một điểm sáng trên bản đồ Du lịch Việt Nam và trên Thế giới.

Tại quần thể danh thắng này có 4 doanh nghiệp vận hành công tác quản lý và kinh doanh du lịch tại 6 điểm tham quan chính theo mô hình đối tác Công - Tư. Một trong những đóng góp quan trọng của mô hình này là chính những doanh nghiệp đứng ra tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học, bảo tồn Di sản, cùng với các nhà khoa học trong nước và quốc tế tư vấn chiến lược liên quan tới phát triển, bảo tồn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công tư ở Tràng An cũng đã đem lại sự chuyên nghiệp, bài bản trong quản lý di sản thiên nhiên thế giới, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Hàng nghìn lái đò ở đây vừa làm người chở khách, kiêm hướng dẫn viên và tham gia gìn giữ môi trường, với thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây.

Có thể thấy với một mô hình xã hội hoá được triển khai hiệu quả, sự kết nối có hiệu quả của nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã nhanh chóng đưa du lịch Tràng An trở thành một điểm sáng, lan tỏa trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Bích Liên