• 2463 lượt xem
  • 06:07 05/06/2022
  • Văn hóa

Trăn trở giữ gìn cây Di sản

Cây Di sản là danh hiệu do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường khởi xướng từ năm 2010 và nhận được sự ủng hộ của nhiều cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, bảo tồn cây di sản thế nào để kéo dài sự sống đang là nỗi trăn trở của rất nhiều cộng đồng địa phương.

Những chiếc cột này là giải pháp tạm thời được chính quyền và cộng đồng dân cư thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sử dụng để chống đổ gãy cho cây táu trắng – cây di sản nổi tiếng với tuổi đời hơn 2200 năm, nằm trong khuôn viên Đền Thiên Cổ Miếu.

Ông NGUYỄN THIỆN NINH – Thủ từ Đền Thiên Cổ Miếu: “Gần đây thì chúng tôi phát hiện ra cây có hiện tượng rạn nứt, một bên thì khô, một bên thì tươi. Về phía địa phương, chúng tôi nghiên cứu sử dụng 3 cây chống này để chống đỡ khi có sự cố, bởi khi cành càng xum xuê, càng nặng lá, rồi lại mưa bão thì sợ sự cố nó lại toạc ra. Nên chúng tôi phải làm cái neo chống cho đảm bảo”.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cây táu trắng này có hiện tượng khô nứt. Vào năm 2014, những cụ thủ từ trông đền cũng đã phát hiện cây bị chết một nửa thân. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền xã cũng như các nhà khoa học, cây mới tạm phục hồi được một phần và nay lại tiếp tục có dấu hiệu suy kiệt.

Ông NGUYỄN THIỆN NINH – Thủ từ Đền Thiên Cổ Miếu: “Trong năm 2014 đoàn Trung ương về thì có cho chúng tôi đào bỏ đất cũ, mua đất phù sa, phân chuồng, phân hóa học trộn vào với nhau và đổ vào gốc cây. Trước khi đổ thì có phun thuốc kích thích rễ, kích thích lá. Cho đến giờ là năm 2022, các cụ phần nào cũng đã được phục hồi.”

Ông BÙI PHÚC KHÁNH  – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “ Chúng tôi phải làm một cái hội thảo mời tất cả các nhà khoa học chuyên ngành, khoảng 20 nhà khoa học từ Trung Ương đến địa phương để tìm một giải pháp chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ. Sau hội nghị đó thì chúng tôi sẽ thống nhất ra một phương thuốc, đất thì chúng tôi cải tạo, rễ cải tạo bằng thuốc kích thích, sâu bệnh chúng tôi trừ, lá còn bao nhiêu thì chúng tôi vệ sinh cho ăn qua lá. Và nếu làm được thì sẽ là điểm nhấn cho các cây cổ thụ khác.”.

Hiện nay, Cây Di sản chỉ là danh hiệu do tổ chức hội công nhận, chính vì vậy việc bảo vệ, bảo tồn cây như thế nào, kinh phí như thế nào hoàn toàn do chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm. Vai trò của những nhà khoa học chỉ có thể trợ giúp phương pháp, cách thức để kéo dài sự sống của cây. Nếu chính quyền địa phương hay cộng đồng dân cư không trân trọng giá trị di sản đặc biệt này, không có giải pháp xã hội hoá việc chăm sóc, bảo tồn cây di sản thì việc cây di sản biến mất sẽ là câu chuyện một sớm một chiều. Và điều đáng tiếc nhất khi chúng ta mất cây di sản không chỉ là mất đi một nguồn gen quí, mà còn có thể mất đi những chứng nhân trong nhiều sự kiện, giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Anh Thư