Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, qua đợt khám sức khỏe thí điểm cho người từ 60 tuổi trở lên đã ghi nhận có 420 người có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng (chiếm tỉ lệ 3,05%), và phát hiện 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng (chiếm tỉ lệ 2,14%).
Sở Y tế cho biết điều trị trầm cảm hầu hết đều dùng phương pháp tâm lý trị liệu. Cụ thể, đối với rối loạn trầm cảm nhẹ chỉ cần áp dụng liệu pháp tâm lý, không cần dùng thuốc. Với những trường hợp vừa và nặng thì cần kết hợp tâm lý trị liệu và dùng thuốc chống trầm cảm.
Theo đó, để nâng cao năng lực về phát hiện và quản lý trầm cảm dựa vào cộng đồng, đặc biệt không dùng thuốc, WHO phối hợp với tổ chức BasicNeeds và các đối tác khác tại Việt Nam hỗ trợ triển khai mô hình quản lý điều trị trầm cảm từ nhẹ đến vừa, không dùng thuốc tại trạm y tế trên địa bàn TP. Theo đó, WHO sẽ hỗ trợ kĩ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn trầm cảm phổ biến.
Ngành y tế TP.HCM sẽ triển khai thí điểm mô hình trên tại 5 trạm y tế gồm: An Thới Đông (Cần Giờ), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Hưng Thuận (quận 12), Phú Trung (Tân Phú) và phường 15 (Tân Bình).
(*) Nguồn: Báo Người lao động