TP.HCM: Hơn 700 nghìn m3 nước ngầm được hút lên mỗi ngày, nguy cơ sụt lún đã cận kề

Nước ngầm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, nếu khai thác quá mức, không kiểm soát sẽ dễ dẫn đến việc đất đai bị sụt lún tại một số khu vực. Bên cạnh đó, do chất lượng nguồn nước không đảm bảo nên nếu sử dụng trong ăn uống lâu ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dùng. Thế nhưng hiện nay, nguồn nước ngầm của TP. Hồ Chí Minh vẫn đang bị khai thác vô tội vạ.

Dù đã được lắp hệ thống nước máy hơn 10 năm nay nhưng nhiều gia đình thuộc phường 14 quận Tân Bình vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Khi phóng viên hỏi về vấn đề chất lượng nguồn nước và lí do vì sao có nước máy nhưng vẫn sử dụng nước giếng khoan thì mỗi người đều lí do riêng.

Chị Lâm Cẩm Hồng, phường 14, Quận Tân Bình, TP.HCM: “Tại vì nước Đồng Nai mình xài để nhà ăn uống nấu nướng với bán hàng luôn còn nước giếng đóng có còn để xài để nhiều lúc cúp điện xài luôn chứ tiền nước với tiền điện cũng bằng nhau".

Ông Nguyễn Viết Nhi, phường 14, Quận Tân Bình, TP.HCM: “Khu vực này ai cũng xài thành ra là thói quen rồi, cũng biết nước giếng đóng nó có những chất không tốt cho sức khoẻ. Xài nước máy thì tốt hơn”.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là “bề nổi” trong khai thác sử dụng nước ngầm tại TP.HCM. Bởi lẽ, theo thống kê trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 110.000 giếng khoan khai thác nước ngầm. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác hơn 710.000m3 mỗi ngày. 

Có hai nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm: một là doanh nghiệp sử dụng nước có xin phép, có cam kết kế hoạch giảm khai thác rõ ràng, phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Nhóm đối tượng thứ 2 là người dân sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu.  Nhóm 2 là nhóm rất khó quản lý.

Ông Lê Trung Thành, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hoà, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: “Mặt dù nhà người dân có đồng hồ nước nhưng người ta vẫn không xài họ xài trên hệ thống nguồn nước ngầm. Chính vì thế việc quản lí hệ thống này rất khó khăn".

Theo các chuyên gia, việc khai thác và sử dụng triệt để một thời gian dài sẽ dẫn đến nguồn nước ngầm bị hạ thấp và dần cạn kiệt, đồng thời còn gây sụt lún cốt nền nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe người sử dụng khi nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm và chứa các tạp chất gây ung thư. 

Trước đó, từ tháng 3/2021 Sở TNMT TP.HCM đã đặt mục tiêu giảm lượng khai thác nước ngầm 1.650m3/ngày đêm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên việc bóp phanh trong khai thác nước ngầm vẫn còn chậm trễ. Mới đây, Sở tiếp tục kiến nghị UBND, HĐND TPHCM quan tâm, chỉ đạo, để bảo vệ nguồn nước dự trữ an toàn cho TP.HCM trong tương lai.

Hữu Bình