TP Hồ Chí Minh: 12 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đều đã xuất viện

Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo các sở ngành đã cung cấp thông tin về kế hoạch tiêm chủng mũi tăng cường, tổ chức dạy học trực tiếp và các hoạt động đón Tết.

Chiều 13/01, tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế thành phố cho biết, hiện 12 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đã được xuất viện về theo dõi sức khỏe tại nhà. Hiện thành phố đang tăng cường nhiều giải pháp để kiểm soát dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tính ngày 13/01, TP. Hồ Chí Minh có 510.195 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó, có 82 trẻ em dưới 16 tuổi; 301 bệnh nhân nặng đang thở máy; 18 bệnh nhân còn can thiệp ECMO.

Đánh giá về nguy cơ lây nhiễm từ 12 trường hợp biến chủng Omicron ra cộng đồng, đại diện Sở Y tế thành phố cho biết, hơn 2.000 F1 liên quan đều âm tính thông qua xét nghiệm giải mã trình tự gen. Giải pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất hiện nay chính là sớm hoàn thành tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: “Việc tiêm bổ sung vắc xin mũi tăng cường sẽ có hiệu quả với biến chủng Omicron nhưng trong tương lai chúng ta không biết được là có biến chủng nào phát sinh. Do đó, phải khuyến khích từng đối tượng tiêm chủng. Trong giai đoạn hiện nay và thành phố đang, sẽ phát huy việc đi từng ngõ, gõ từng nhà để khuyến khích người dân tiêm vắc xin”.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh: “Để giữ thành phố tiếp tục ở vùng xanh để các hoạt động trở về bình thường thì chúng ta không được lơ là mà thậm chí phải gắt gao và cẩn trọng hơn nữa và việc truy vết cần phải chặt chẽ  hơn”.

Về kế hoạch đi học trực tiếp của học sinh sau Tết Nguyên đán 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đang trình, tham mưu cho  UBND Thành phố lộ trình, thời gian đi học trực tiếp cụ thể cho trẻ em mầm non và lộ trình đi học của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6. Dự kiến từ tháng 2 - 7/2022, trẻ đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và người chăm sóc trẻ.

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo thời gian này cần chuẩn bị vè nhân sự. Nếu giáo viên đã về quê thì có thể mời thầy cô, bảo mẫu quay trở lại trường sau Tết để phục vụ các hoạt động trực tiếp các cơ sở giáo dục mầm non và có kế hoạch tuyển bổ sung các trường học còn thiếu. Khi hoạt động bình thường thì các trường phải đảm bảo 8/10 tiêu chí. Ban chỉ đạo các quận, huyện sẽ có kiểm tra, thẩm định và quyết định mức độ an toàn của nhà trường”.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP. Hồ Chí Minh khẳng định thành phố sẽ không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Quyết định này dựa trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố vẫn tổ chức 18 hoạt động vui xuân đón Tết, kéo dài đến hết tháng 02/2022.
 

Quang Duy