Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Kỳ vọng đưa quan hệ Mỹ - Pháp trở lại đúng hướng

Như tin đã đưa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Mỹ. Với một chương trình nghị sự dày đặc, chuyến thăm nhiều ý nghĩa của Tổng thống Pháp được kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả trong nỗ lực đưa quan hệ song phương Mỹ - Pháp “trở lại đúng hướng”.

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Australia mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Ngoài ra, hai bên còn không ít vấn đề bất đồng liên quan tới các lĩnh vực thương mại và năng lượng.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp ở cấp nhà nước kể từ khi ông Biden nhậm chức. Đây là dấu hiệu cho thấy sự hồi phục trong quan hệ song phương Mỹ - Pháp. Sự kiện này cũng thể hiện sự coi trọng, động thái hòa dịu của Chính quyền Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh châu Âu lâu đời nhất trong thực hiện các chính sách toàn cầu.

ĐƯA QUAN HỆ SONG PHƯƠNG MỸ - PHÁP TRỞ LẠI ĐÚNG HƯỚNG

Bà NICOLE BACHARAN, Nhà phân tích chính trị và lịch sử Mỹ: "Ngay bây giờ, năm 2022, mối quan hệ Pháp-Mỹ đang tiến triển tốt. Rõ ràng là còn tồn tại các vấn đề chính trị và kinh tế, nhưng mọi vẫn đề khác vẫn đang hoạt động trơn tru, như trao đổi văn hóa, khoa học, quân sự, công nghệ. Mối quan hệ 2 bên đang tốt đẹp nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều thách thức mà 2 bên cần cùng đối mặt và giải quyết."

Diễn ra vào thời điểm quan trọng khi tình hình địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, trong khi quan hệ song phương vẫn nhiều căng thẳng, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cả hai bên kỳ vọng sẽ phần nào làm giảm căng thẳng cũng như mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước nói riêng và hai bờ Đại Tây Dương nói chung.

Chương trình nghị sự ông Macron mang theo chắc chắn sẽ có nội dung về cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó Pháp và Mỹ đang có cách tiếp cận khác nhau về cơ hội ngoại giao và việc thúc đẩy đàm phán để đạt một giải pháp chính trị kết thúc xung đột. Bên cạnh đó là cuộc thảo luận về “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) của Mỹ, vốn bị Pháp và các nước châu Âu công khai chỉ trích vì cho rằng đây là một chính sách bảo hộ, cạnh tranh không bình đẳng, có nguy cơ đẩy châu Âu và Mỹ vào một cuộc chiến thương mại mới.

Người phát ngôn Nhà Trắng JOHN KIRBY: "Tôi nghĩ chắc chắn vấn đề Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ sẽ xuất hiện trong các cuộc gặp. Chúng tôi mong muốn có cuộc thảo luận với các đối tác Pháp, để đảm bảo rằng có thể hiểu rõ hơn về mối quan tâm của những người bạn châu Âu về vấn đề này."

Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường như hiện nay, dù còn bất đồng, Mỹ và Pháp đều cần có nhau trong việc đối phó với một loạt các thách thức lớn về địa chính trị. Và cuộc gặp trực tiếp lần này chính là cơ hội lớn cho sự hợp tác, kết nối, để đưa quan hệ song phương Mỹ - Pháp “trở lại đúng hướng” như hai bên kỳ vọng.