Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Giữ nguyên thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày 26/5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra; khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều. Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). 

Để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Dự thảo Luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và thanh tra sở.