Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP, Trưởng ban soạn thảo chia sẻ về dự án Luật phòng thủ dân sự

Hiện nay nhiều nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải tạo cơ sở pháp lý vững chắc đối với công tác phòng thủ dân sự.

 Đây là khẳng định của Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Phóng viên KHẮC PHỤC: "Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm: Phòng thủ dân sự là gì?"

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Quan điểm trên đã được thể chế hóa tại khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018 và tiếp tục được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo."

Phóng viên KHẮC PHỤC: "Hiện nay có tới 85 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự. Vậy phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được xác định như thế nào để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vừa dễ hiểu, dễ thực hiện?"

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Quá trình xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự, Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, rà soát kỹ các văn bản liên quan. Để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vừa dễ hiểu, dễ thực hiện, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định những nội dung, biện pháp chung liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự đáp ứng tình hình thực tiễn và một số vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định, như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự; các cấp độ phòng thủ dân sự; biện pháp ứng phó trong từng cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh; hoạt động phòng thủ dân sự trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, luật hóa các biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn (như: Giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn; chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế".

Trân trọng cám ơn đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ QP đã trả lời phỏng vấn của THQHVN!

Khắc Phục