Tôn vinh văn hóa đọc tại thư viện cổ Triều Nguyễn

Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, hôm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức chuỗi hoạt động tại Tàng Thơ Lâu – di tích thư viện cổ dưới thời triều Nguyễn. Đây cũng là lần đầu tiên Thừa Thiên - Huế chọn không gian ý nghĩa này sau khi được trùng tu để tôn vinh, quảng bá văn hóa đọc.

Trong không gian cổ kính của di tích Tàng Thơ Lâu, công chúng và người yêu sách đã đã được tham gia triển lãm “Quốc sử quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá tri di sản văn hóa Huế”. Suốt 125 năm tồn tại, Quốc Sử quán là cơ quan biên soạn lịch sử lớn nhất và thành công nhất trong các triều đại của Việt Nam.Với hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn, người yêu sách như trở về cách đây hàng trăm năm trước. 

Em HỨA NGỌC BẢO CHÂU, Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên - Huế:Em thích đọc sách về văn học hoặc thể loại bạn trẻ rất thích là ngôn tình, truyện tranh và đôi khi tìm hiểu về lịch sử."

Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Phó Chủ tịch UBND, tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xây dựng Tàng Thơ Lâu trở thành 1 địa điểm để các độc giả của Huế nói riêng, trên toàn quốc có thể tiếp cận, tìm hiểu những nét văn hóa lịch sử trong những tư liệu được lưu trữ. Đây là 1 cách tiếp cận mới kết hợp với những loại hình phát triển như báo online để giới thiệu văn hóa cố đô Huế thời gian tới.”

Tại ngày hội, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận các cuốn sách quý do các tác giả tâm huyết với Huế như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và trưng bày tại lầu Tàng Thơ. Hoạt động triển lãm cũng được số hóa để tất cả những người yêu sách dù ở bất cứ không gian nào đều có thể nghiên cứu qua mạng internet.

Tiểu Bảo