Tối ưu hóa các chính sách hỗ trợ cho người lao động

“Hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước”. Từ quan điểm này các đại biểu Quốc hội đồng ý với các đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ đồng tình với việc cần phải đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao, các đại biểu cho rằng đây chính là giải pháp mang tính dài hạn. Tuy nhiên Tờ trình của Chính phủ và các văn bản kèm theo vẫn chưa làm rõ những giải pháp để thực hiện như: Làm sao để thu hút được người học, làm sao để dạy nghề thực chất, việc gắn với doanh nghiệp để đào tạo lại, hỗ trợ cho phục hồi như thế nào? Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch lần thứ 4 đã chứng kiến làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương. Vì vậy thời điểm này rất cần có chính sách đào tạo nghề cho lao động hồi hương.

Theo à Lò Thị Việt Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Chính sách về đào tạo nghề rồi đào tạo nguồn nhân lực thì đề nghị chính phủ cũng cân nhắc và tìm các giải pháp là không chỉ đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực cho nơi công nhân quay về làm việc ở các khu công nghiệp mà chúng ta phải đào tạo nghề và nguồn nhân lực cho cả những người mà đã quay về địa phương để người ta gắn bó với địa phương và tạo sinh kế sinh sống trong thời gian tới".

     Hiện nay, ngoài lực lượng lao động trong khu vực có quan hệ lao động thì còn khoảng 60% là lao động khu vực phi chính thức rất cần giải quyết việc làm. Do đó, một số ý kiến đại biểu lưu ý về tính hiệu quả trong giải quyết việc làm khi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH này gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai.
Ông Đinh Ngọc Quý - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai : Vừa qua khoảng theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê 31 tháng 12 vừa rồi thì 30 tháng 12 vừa rồi khoảng 2,2 triệu người từ các vùng dịch trở về các địa phương nhu cầu giải quyết việc làm tại chỗ rất lớn. vậy gắn với chương trình việc làm cùng với các chương trình phục hồi với chương trình phục hồi này thế nào, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia ra sao? Đề nghị Chính phủ cần có bổ sung, giải trình làm rõ thêm không và đặc biệt để giải quyết được việc này thì vai trò của chính quyền địa phương rất là quan trọng.

      Cũng có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ để xây nhà cho công nhân lao động đang hướng tới nhóm công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là chính sách ưu việt. Tuy nhiên chính sách này cần mở rộng đến cả lao động phi chính thức, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thanh Cầm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang : Lao động phi chính thức họ còn khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, cũng rất mong là chính sách này thì sẽ hướng tới cả các đối tượng là lao động phi chính thức và phi chính thức mà ở việt nam thì tỷ lệ này còn rất đông qua thực tế thấy rằng là covid 19 cũng tác động rất là sâu sắc đến đối tượng này
Các đại biểu cũng đề nghị, bên cạnh quan tâm hỗ trợ người lao động được bảo đảm về an sinh xã hội thì Chính phủ cũng cần tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ./.