Toạ đàm “Việt Nam – Đất nước nhìn từ biển”: Vận dụng tốt Công ước về Luật biển để Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) và 10 năm Luật biển Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức thực hiện Toạ đàm với chủ đề: “Việt Nam – Đất nước nhìn từ biển”.

Với sự tham gia của các nhà Nghiên cứu, nhà Ngoại giao, chuyên gia pháp luật quốc tế và đại biểu Quốc hội, toạ đàm có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về biển, đảo, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp trên biển tại Việt Nam. Chương trình sẽ được phát sóng tối 19/6 và được tiếp sóng trực tiếp bởi Đài PT- TH các tỉnh, thành phố có biển và giáp biển trên cả nước.

Ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế - Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Sự ra đời của UNCLOS đã chấm dứt một thời gian dài các mâu thuẫn, tranh cãi và căng thẳng, thậm chí hỗn loạn trên các đại dương và vùng biển trên thế giới. Trong 4 thập niên qua, các nước trên thế giới, ngay cả chưa phê duyệt UNCLOS 1982, đã luôn viện dẫn Công ước này khi giải quyết tranh chấp trên biển. Sự ra đời của UNCLOS đã giúp các quốc gia phân định, quản lý biển hiệu quả. Hiện có 167 quốc gia tham gia công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc. 

Tham gia ý kiến toạ đàm “Việt Nam đất nước nhìn từ biển”, các Nhà Nghiên cứu, Nhà Ngoại giao đã đưa ra nhận định UNCLOS 1982 đã thể hiện vai trò như một bản hiến pháp của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia.

Giáo sư CARL THAYER, Đại học New South Wales, Australia: Nó cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện để quản trị các vấn đề liên quan đến đại dương. Các quốc gia ven biển được công nhận vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa, và các cường quốc có thể đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế, được hưởng quyền tự do hàng hải, nhưng nếu họ đi qua lãnh hải, thì tàu quân sự sẽ bị hạn chế. 

PGS.TS ĐẶNG ĐÌNH QUÝ, Nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc: Trong 193 đại sứ trưởng phát đoàn ở LHQ số người am hiểu những căn cốt của UNCLOS và vận dụng nó như thế nào không nhiều. Cho nên khi chúng ta đưa ra ý tưởng thành lập nhóm bạn bè UNCLOS để tăng cường nhận thức chung, để xây dựng sự đồng thuận về thượng tôn pháp luật, thượng tôn UNCLOS trong giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế trên biển thì được rất nhiều nước ủng hộ.

Không chỉ thảo luận quá trình 40 năm thực thi Công ước 1982 UNCLOS, 10 năm Luật biển Việt Nam, toạ đàm còn phân tích các vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong tương lai.

Các giải pháp được đưa ra thảo luận trong toạ đàm cũng nhấn mạnh trong giai đoạn mới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về biển trong vận mệnh phát triển quốc gia, dân tộc, luôn nhất quán trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng không quên thực hiện những sách lược, giải pháp quản lý và sử dụng tài nguyên biển, đảo. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt Công ước Unclos, Luật biển Việt Nam và Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Có thể nói đây là 3 sự kiện về mốc thời gian rất khác nhau, nhưng thực ra là một chuỗi và tương tác với nhau, ảnh hưởng đến nhau và có tác động điều chỉnh mà nó là cái mà thể hiện tính nhất quán, và tôn trọng luật pháp Quôc tế của Việt Nam trong việc khai thác, sử dụng và quản lý của nước ta trong khu vực Biển Đông. Chính vì tầm quan trọng của sự kiện như vậy, công tác truyền thông bao giờ cũng là công cụ hết sức hữu hiệu, để làm sao những hiểu biết đúng đắn, những nỗ lực của Việt Nam, những đóng góp của Việt Nam cho môi trường hoà bình của Biển Đông, cho sự thịnh vượng và an toàn của Biển Đông cần phải được lan toả. 

Chương trình Tọa đàm “Việt Nam – Đất nước nhìn từ biển”, kỷ niệm 40 năm Unclos 1982 và 10 năm Luật biển Việt Nam 2012 sẽ được phát sóng vào 20h45 ngày 19/06/2022 trên sóng và các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đồng thời được tiếp sóng trực tiếp bởi Đài PT- TH các tỉnh, thành phố có biển và giáp biển trên cả nước./.

Thanh Nga