• 2405 lượt xem
  • 18:01 05/02/2022
  • Kinh tế

Tọa đàm Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022: Tìm kiếm động lực của tăng trưởng

Bước sang năm 2022 nhiều nhận định khá tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bối cảnh có thực sự chỉ toàn cơ hội; đâu là động lực nền tảng cho tăng trưởng; làm sao để triển khai gói hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất và tránh được những rủi ro. Truyền hình Quốc hội và các vị khách mời sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 2,58%, dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng thực tế trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả này phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Xuất khẩu, FDI và nông nghiệp được coi là những điểm sáng của nền kinh tế. Và đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ đồng, tương đương 15,2 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp nối câu chuyện tăng trưởng và sẽ khởi sắc hơn trong năm 2022.

Với quy mô sản xuất lớn: 18 nhà máy, 12.000 công nhân, đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến doanh nghiệp (DN) này đối mặt với nhiều khó khăn. Thiếu hụt nguyên vật liệu, thực hiện 3 tại chỗ với chi phí lớn, nhưng với nhiều nỗ lực, doanh nghiệp đã chủ động thích ứng an toàn với dịch bệnh, đưa ra nhiều chiến lược kinh doanh mới, nhờ đó doanh thu trong năm 2021 đã tăng 20% so với năm trước. DN kỳ vọng năm 2022 sẽ là giai đoạn hồi phục và tăng tốc.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: “Đối với mặt kinh doanh hiện nay đối với mảng xuất khẩu, các khách hàng của chúng tôi đã đặt hàng hết quý 1, và thậm chí trên 70% năng lực sản xuất của chúng tôi đã có khách hàng đặt hàng đến hết quý 2. Tôi cho rằng 6 tháng đầu năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tốt…”

Ở một góc độ khác, nhiều tổ chức quốc tế uy tín bày tỏ sự lạc quan về tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%, trong đó nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: “Triển vọng trong trung và dài hạn của Việt Nam vẫn rất tươi sáng, vì thực tế Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư FDI lớn, và có rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó mục tiêu tăng trưởng trong năm nay tôi cho rằng vẫn khả quan, vì đại dịch Covid-19 là vấn đề chung của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đặc biệt nếu nhìn nhận một cách tích cực, giữa 2 năm 2020 và 2021, quy mô GDP của Việt Nam vẫn cao hơn thời điểm trước đại dịch khoảng 5%”.

Trong khi đó, Ngân hàng thế giới World Bank tại Việt Nam thì nhận định, trong năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn, với mức tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,5% và nếu đại dịch cơ bản được kiểm soát thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi một phần nhờ vào việc nới lỏng hơn chính sách tài khóa ít nhất là trong nửa đầu năm 2022. Cùng với đó là những dự báo tích cực hơn về việc giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Bà Dorstai Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới World Bank tại Việt Nam: “Chúng tôi kỳ vọng thâm hụt ngân sách sẽ giảm nhờ việc Chính phủ chú trọng đến các giải pháp khắc phục thâm hụt ngân sách. Và nợ công cũng sẽ giảm nhẹ khi Chính phủ tăng cường thu chi ngân sách Nhà nước”.

Các chuyên gia nhận định, với gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay sẽ tạo sức bật giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng lên 6,5 - 7%/năm. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để nguồn lực hỗ trợ đi được đúng nơi, đúng đối tượng cần thiết, giúp cho tăng trưởng kinh tế thực chất và hiệu quả.

LẠC QUAN VỀ TĂNG TRƯỞNG GDP NĂM 2022

Những thông tin khá tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2022, dưới góc nhìn của các DN và các tổ chức tài chính quốc tế uy tín. Sự lạc quan này cho thấy, cùng với ý chí, quyết tâm chính trị cao, kinh nghiệm chống dịch cùng những chương trình cải cách cơ bản, Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Điểm mấu chốt hiện nay là hiện thực hóa những cơ hội, động lực sẵn nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế sau đại dịch. 

Cùng bàn thảo với chúng ta trong chương trình là: Ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ông Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Câu hỏi đặt ra cho các khách mời: Như phóng sự vừa đề cập, có thể thấy tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 so với khu vực là khá tích cực, vậy điều này sẽ giúp tạo những tiền đề như thế nào cho năm 2022? Trong năm 2021, nhiều điểm sáng như xuất nhập khẩu, thu hút FDI và nông nghiệp đã đóng góp lớn cho đà phục hồi và phát triển kinh tế. Liệu đây có phải động lực, nền tảng cho tăng trưởng năm 2022 bứt phá? 

MỜI QUÍ KHÁN GIẢ THEO DÕI PHẦN TỌA ĐÀM VỚI CÁC KHÁCH MỜI Ở VIDEO!

Nền kinh tế phục hồi và phát triển được hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp chính là nguồn lực chính tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều yếu tố đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, như chi phí tăng cao do thiếu nguyên vật liệu, hay chi phí logistic, lưu thông hàng hóa.

Những chiếc xe chở hàng ùn ứ chờ đợi được thông chốt kiểm dịch...Những tài xế xếp hàng để chờ được xét nghiệm Covid-19...là những hình ảnh thường thấy trong đợt giãn cách xã hội. Dịch Covid-19 được coi là phép thử mạnh mẽ với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp, khi mà chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo chỉ số cước giao vận Freightos FBX, giá cước vận tải khi dịch Covid-19 bùng phát thậm chí tăng đến 10 lần. Còn theo một báo cáo của Liên hợp quốc, giá cước vận chuyển cao có thể đẩy giá nhập khẩu toàn cầu tăng thêm 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay đến năm 2023. Còn tại Việt Nam, chi phí vận chuyển vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh tăng đến hơn 6 lần. Thiệt hại đối với các doanh nghiệp là không hề nhỏ.

Ông Xie Fei - Giám đốc Công ty TNHH ACC Technology Việt Nam, KCN Quế Võ, Bắc Ninh: “Vào thời kỳ cao điểm dịch bệnh, doanh nghiệp chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, như tình trạng ách tắc đường biên, chi phí lưu kho chờ đợi kiểm dịch, cũng như xét nghiệm đã khiến chi phí vận tải tăng cao”.

Xét ở góc độ logistics thì doanh nghiệp đang phải đối mặt với 5T: Cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển biển tăng, booking (hay còn còn gọi đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, số ngày bị hoãn tăng... Chưa kể đến các loại phí khác như phí cân bằng container, phí vệ sinh, phí kẹt cảng cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến sản phẩm của Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc chi phí tăng cao do thiếu nguyên vật liệu cũng khiến doanh nghiệp chật vật, bởi vào thời kỳ cao điểm dịch bệnh, giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng đến 50%.

Ông Lê Thành Công - Giám đốc Công ty Rapido: “Giá sắt tăng lên chóng mặt và DN đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với những đơn hàng xuất sang Mỹ do giá nguyên liệu đầu vào trong nước tăng lên bất thường".

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vât liê ̣ u dùng cho sản ̣xuất tăng 5,51% so với năm trước. Bước sang năm 2022, giá nguyên liệu trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, do đó nhiều ý kiến đề xuất, cần đưa ra những đánh giá về việc những mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

NHỮNG ĐIỂM NGHẼN CÒN TỒN TẠI

Câu hỏi đặt ra, các loại chi phí gia tăng về nguyên vật liệu, logistic và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. cần có những giải pháp tháo gỡ như thế nào?  Một trong những yếu tố tiềm ẩn rủi ro là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, và sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, vậy đối với doanh nghiệp phương án ứng phó là gì? Trong gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, một trong chinh sách thu hút sự chú ý, đó là giảm 2% thuế VAT từ tháng 2 năm nay, liệu đây có phải là giải pháp đúng và trúng?

Chúng ta hay nghe đến cụm từ “cỗ xe tam mã” bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công, đây là những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có “cỗ xe tứ mã”. Và con “mã” thứ tư của nền kinh tế, đó chính là kinh tế số. Đặc biệt khi kinh tế số ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 8,2% GDP và còn dư địa khá lớn.

Theo thống kê, trung bình tại các nước phát triển, kinh tế số chiếm khoảng 54,3% GDP, trong khi tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Đại dịch Covid-19 xảy ra đã thay đổi cách nhận thức của người dân và DN. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, phát triển kinh tế số, trong đó có bán hàng và mua hàng qua livestream đang ngày cảng phổ biến tại Việt Nam. Chỉ với 1 chiếc điện thoại Smartphone được kết nối mạng, các mặt hàng nông sản của chị Ma Thị Chú có thể dễ dàng tiếp cận với hàng nghìn khách hàng trên khắp cả nước.

Chị Ma Thị Chú, Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Khi em Livestream như này, người ta xem người ta thấy hay thì người ta cứ chia sẻ hết cho người này người kia, chia sẻ vào các hội nhóm chẳng hạn ý thì độ che phủ thị trường rất là lớn và nhanh, rất nhiều người biết đến”.

Và các doanh nghiệp cũng không bỏ qua những cơ hội này. Xây dựng "những viên gạch" chuyển đổi số đầu tiên từ năm 2013, doanh nghiệp này đã chuyển đổi trên 80% hoạt động của mình, và giúp tăng năng suất, thu nhập cho nhân viên khoảng 30% so với trước đây.

Sở hữu lượng khách hàng lên đến con số gần 100.000, doanh nghiệp này đang có khoảng hơn 20 hệ sinh thái chuyển đổi số. Có thể kể đến:

- Việc thúc đẩy tìm kiếm khách hàng mới dựa trên hành trình của khách hàng

- Thiết lập hệ thống quản trị khách hàng giúp thúc đẩy doanh thu;

- Xây dựng các kênh bán mới hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu xu hướng sắm online;

- Hay hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề vận hành.

Sau 5 năm, doanh nghiệp đã chuyển mục tiêu sang đẩy mạnh các nền tảng số “Make in Vietnam”, giúp các khách hàng làm chủ quá trình chuyển mình từ cách làm truyền thống sang phương thức số.

Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch tập đoàn NOVAON: “Chỉ khi chúng ta make in Vietnam chúng ta làm chủ được công nghệ thì chúng ta mới có thể tạo dựng được những nền tảng mang tính cốt lõi, mang tính vững chắc cho sự phát triển trong tương lai, chúng tôi rất đồng thuận với những quan điểm đó, chính vì thế chúng tôi quyết tâm đầu tư các nền tảng. Chúng tôi phải học hỏi nhiều từ các nền tảng quốc tế nhưng cũng phải hiểu những nhu cầu, khó khăn, sự khác biệt trong mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam.”

Phát triển các nền tảng số, đặc biệt là nền tảng bản đồ số “Make in Vietnam” là cơ sở quan trọng để thu thập và liên kết các dữ liệu quốc gia, góp phần tạo ra những ứng dụng số có giá trị thực tiễn. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ giải thưởng quốc tế với giải thưởng cao nhất thế giới về Mô hình Kiến trúc thành phố thông minh trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những lợi thế, thì khó khăn là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong việc thực hiện, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, như việc bắt đầu như thế nào, hay thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV): “Khi vào làm chuyển đổi số, thì nó bắt đầu cần có những hoạch định, có tầm nhìn xa, cần có những ý tưởng sáng tạo để thay đổi mô hình, cần có những công nghệ mới như dataleg, hồ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Quy mô công việc quá nhiều nên nơi nào cũng thiếu cán bộ.”

Kinh tế số được coi là một trong 3 trụ cột xây dựng quốc gia số. Do đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đặt mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 30% GDP. Các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa được mục tiêu này, đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao chất lượng hạ tầng số quốc gia,chất lượng nguồn nhân lực, và có cơ chế pháp lý phù hợp.

ĐẶT MỤC TIÊU KINH TẾ SỐ, CHIẾM KHOẢNG 30% GDP

Đại dịch Covid-19 đưa thế giới vào trạng thái khó đoán định hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng tốc chuyển đổi số để thích ứng với thay đổi. Năm 2022, doanh nghiệp cần cập nhật những xu hướng nào để không bị bỏ lại trên hành trình đó? Vai trò của kinh tế số trong thời điểm này đóng góp như thế nào đến tăng trưởng của nền kinh tế, khi nó là xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay? 

Từ những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng GDP năm 2021, Việt Nam bước vào năm 2022 với nhiều gam màu sáng. Trong đó không thể không nhắc đến Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV. Với việc chính thức thông qua 4 Nghị quyết, đáng chú ý là Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ được kỳ vọng sẽ là cú hích mạnh mẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.. Rất nhiều kỳ vọng về đà phục hồi nhanh, bền vững đã được đưa ra, chúng ta hãy cùng theo dõi chùm ý kiến ngay sau đây.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia Kinh tế: “Đã chớp thời cơ, thì điểm này là điểm phải đặc biệt chú ý, tức là nó không nằm ở trong khái niệm phục hồi đâu, mà là thay máu nền kinh tế, ta phải chú trọng đến khái niệm cung cấp 1 nguồn lực để phát triển các DN đổi mới sáng tạo để cho cải cách thể chế làm sao khi chúng ta đứng dậy được cơ thể của chúng ta nó khác đi, chứ nếu chỉ tập trung cho phục hồi thì đứng dậy nó vẫn thế, vẫn là người cũ.”

TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: “Về tổng thể chương trình phục hồi phát triển đã tính đầy đủ đến các rủi ro từ cân đối vĩ mô, vấn đề lạm phát, vấn đề nợ xấu... để có cách quản trị nó, giảm thiểu những rủi ro, tất nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận trong 1-2 năm tới thâm hụt ngân sách cao hơn, nợ công tăng lên, nợ xấu rình lên nhưng nó là trong tầm tay, và những năm tiếp theo, nếu kinh tế phục hồi tốt thì chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa quỹ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo những cân đối lớn vững chắc hơn, và đấy là 1 nền tảng cho Việt Nam phát triển tốt hơn những năm tiếp theo nữa.”

PGS.TS.Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Về mặt lâu dài, chúng ta đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia rồi, chúng ta phải xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, xã hội số trong đó có công dân số. Đấy là định hướng rất đúng và bây giờ chúng ta phải làm cụ thể, để làm sao dùng động lực này để mà vừa phục hồi vừa tạo động lực cho tăng trưởng lâu dài, và đó là cơ hội để chúng ta phục hồi nhanh.”

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Việc cần làm hiện nay là các ngân hàng làm sao tạo các điều kiện để các DN tiếp cận vốn dễ dàng nhất, khi đó tăng trưởng tín dụng tăng cao, nhu cầu huy động vốn của ngân hàng tăng lên, như vậy ngân hàng buộc lòng phải nâng lãi suất tiền gửi, khi đó sẽ huy động được tiền nhàn rỗi từ dân cư vào trong ngân hàng, tránh tình trạng dòng tiền chảy vào các lĩnh vực đầu cơ như BĐS, chứng khoán.”

KỲ VỌNG VỀ CÁC QUYẾT SÁCH TẠO NỀN TẢNG CHO PHỤC HỒI KINH TẾ

Quan điểm của các khách mời về gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ trị giá 347 nghìn tỷ đồng này như thế nào đối với Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế? Đặc biệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được coi là yếu tố quan trọng nhất trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Việc triển khai gói hỗ trợ mà Quốc hội thông qua sẽ tạo ra những tác động tích cực với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn? Làm thế nào để triển khai gói hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất, và tránh được những rủi ro?

Năm 2021 có thể coi là 1 năm đày khó khăn đối với Việt Nam, tuy nhiên với sự nỗ lực nền kinh tế đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, và đây chính là lý do mà nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về triển vọng của nền kinh tế, lạc quan về những nền tảng tốt cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân cùng kinh nghiệm chống dịch; là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hấp dẫn thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam. Để thay lời kết cho chương trình ngày hôm nay, mời 2 khách mời cùng quý vị khán giả đến với những mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng DN trong năm 2022 này.

Ông Tưởng Hữu Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ: “Chúng tôi mong muốn tìm kiếm thêm được các thị trường mới để mở rộng thị trường ra, tạo ra nhiều nguồn tiêu thụ, đa dạng thị trường đầu ra để giảm thiểu những rủi ro và áp lực, làm sao để duy trì được lực lượng lao động. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận các thị trường, có thể là các nước châu Á, trung Đông và châu Âu”.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và chuỗi cung ứng, Tập đoàn Assa Abloy, Vĩnh Phúc: “Chúng tôi hy vọng năm 2022 dịch sẽ được kiểm soát, có nhiều chính sách thu hút đầu tư thuận lợi và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Thập- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang: “Kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp là mong muốn đại dịch được khống chế, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường để tất cả các ngành nghề được trở lại giai đoạn như năm 2019, và có những bứt phá, và đặc biệt các DN có những tiềm năng, thế mạnh, có động lực để làm sao phát triển tốt hơn”.

Thùy Trang