Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Để chuẩn bị cho nội dung Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào tuần tới, Viện nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự”.

Các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) cần làm rõ khái niệm “Phòng thủ dân sự”. Mặc dù khái niệm này đã được quy định tại Điều 13 Luật Quốc phòng, tuy nhiên PTDS là lĩnh vực rất rộng đã được quy định ở nhiều văn bản luật chuyên ngành như: Luật Phòng chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Phòng cháy chữa cháy…Các luật này cũng đã quy định chi tiết các tình huống, biện pháp, lực lượng, chính sách đối với việc xử lý các sự cố, thảm họa. Hiện đã có Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp và Nghị định 02/2019 về Phòng thủ dân sự. Vì vậy cần phải xem xét vị trí, vai trò, mối quan hệ của Luật Phòng thủ dân sự với các văn bản pháp luật đã có. Từ đó, xác định sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh của Luật, tránh tình trạng xây dựng 1 đạo luật dẫn giữa Luật Quốc phòng và các luật chuyên ngành có liên quan đến thảm họa, sự cố. Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 điều chỉnh, dự kiến dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.