Tổ chức thi hành pháp luật có nhiều đổi mới, sáng tạo

Để chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 6/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH trong năm 2022.

Theo báo cáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Tính từ 1/10/2021 đến 1/8/ 2022, đã xây dựng, ban hành 110 văn bản quy định chi tiết. Từ ngày 1/10/2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 1.700 quy định kinh doanh tại 125 văn bản.

Các ý kiến trong thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta thời gian qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và nguy cơ về lạm phát, suy thoái kinh tế. Chính phủ đã hoàn thành đạt và vượt tiến độ các nhiệm vụ lập pháp được giao.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết gây ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Bên cạnh đó, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các năm trước đây như: hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo đúng quy định; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian, tài liệu theo quy định.

Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 Quốc hội khóa 15.

Thùy Linh