Lĩnh vực người có công: Đơn tố cáo nhiều hơn đơn khiếu nại

Sáng 8/4, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Đây là bộ cuối cùng trong 8 bộ ngành Đoàn làm việc trước khi giám sát thực tế tại các địa phương.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ LĐTB&XH trong công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nỗ lực thực hiện việc tiếp công dân, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Tuy nhiên, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực người có công chiếm tỷ lệ lớn (hơn 16.800 đơn). Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân xu hướng đơn tố cáo nhiều hơn khiếu nại.

Ông NGÔ TRUNG THÀNH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Thường khiếu nại nhiều hơn tố cáo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, tố cáo lại nhiều hơn. Đa phần là tố cáo việc xem xét chính sách người có công ở địa phương chưa đúng quy định, không công bằng, tôi đề nghị phải nhận xét và đánh giá rõ hơn lý do”.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH: “Đơn khiếu nại tố cáo về chính sách pháp luật người có công, số lượng đơn tương đối lớn, 16.808/30.067 đơn (bằng 59,6% tổng số đơn), rất mong bộ trưởng và các đồng chí quan tâm đến lĩnh vực này vì đây là lĩnh vực nóng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được xác định là công việc đặc biệt quan trọng của ngành, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần cho công tác an sinh, an dân. Tỷ lệ đơn tố cáo cao hơn khiếu nại cũng là do có nhiều trường hợp không đồng tình với kết luận thanh tra.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Qua rà soát, có nhiều trường hợp, thương binh thật nhưng mất hồ sơ để thực hiện chính sách thương binh. Sau đó, qua đường dây làm giả hồ sơ, họ có được hồ sơ nhưng là hồ sơ không đúng, khi thanh tra kết luận, phải đình chỉ rồi xử lý, dẫn tới tố cáo".

Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Đề nghị các đồng chí phải rà soát xem xét lại, đề nghị sửa đổi cụ thể các căn cứ xác định chế độ công nhận thương binh, liệt sỹ trong các văn bản hiện nay. Cái gì còn hiệu lực, hết hiệu lực, cần sửa đổi bổ sung gì, cụ thể điều khoản nào. Những người thực sự hy sinh, đã đưa vào nghĩa trang liệt sỹ rồi mà không được công nhận, nhiều đại biểu nói, không cầm được nước mắt”.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Theo tôi, cơ quan chấp pháp đầu tiên phải chấp hành pháp luật. Luật pháp cho phép xem xét cụ thể trong trường hợp cụ thể. Tuần sau tôi sẽ nghe tất cả các vụ tồn đọng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận Bộ LĐTB&XH đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, thực hiện chính sách người có công, tuy nhiên, trước tình trạng 70% số lượng đơn thư lại diễn ra trong lĩnh vực này, Bộ cần báo cáo làm rõ hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG, Trưởng đoàn giám sát: "Các đồng chí xem có những vướng mắc gì về căn cứ xác nhận. Pháp lệnh người có công đã có nhiều đổi mới rồi thì có cần bổ sung hay cần thông tư gì để cụ thể thêm. Còn pháp luật, thông tư thì cũng chỉ giải quyết cái chung thôi, chứ còn 1 số vụ cá biệt thì cần phải có quan điểm giải quyết thực sự khách quan, toàn diện, lịch sử và khoa học".

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với các cách làm hay, sáng tạo của Bộ LĐTB&XH; đồng thời đề nghị Bộ đánh giá sâu sắc hơn về việc tiếp công dân, nhất là của người đứng đầu các cấp theo 3 hình thức: tiếp định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề và đối thoại với người dân; bổ sung nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực người có công, lao động việc làm, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Tùng Dương