Tình trạng vi phạm giao thông tăng cao, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trách nhiệm ở đâu?

Chiều 12/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra TNGT tăng cao cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công chức, viên chức, đảng viên vi phạm.

Các thành viên Ủy ban QP&AN đồng tình, dưới sự điều hành, chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong năm qua, tình hình TNGT đã có những có chuyển biến. Trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 8.300 vụ TNGT, làm chết hơn 4.700 người, bị thương hơn 5.500 người, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi vùng phát dịch Covid-19). Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2021, lại tăng về số vụ và số người chết, trong đó có 13 tỉnh, thành phố có số người chết tăng trên 30%. Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Thị Xuân đề nghị cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Thiếu tướng NGUYỄN THỊ XUÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Hiện nay có 30 địa phương có số người chết vì TNGT tăng. Báo cáo Chính phủ thì cần quay lại năm 2021, đối với địa phương để TNGT tăng thì việc xử lý trách nhiệm với người đứng đầu như thế nào?"

 Bên cạnh nhấn mạnh các giải pháp tăng cường tuyên truyền, siết chặt việc đào tạo, sát hạch GPLX, các đại biểu cũng đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân, cơ cấu về độ tuổi, địa bàn vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó có cán bộ công chức, viên chức, đảng viên.

Trung tướng GS.TS NGUYỄN MINH ĐỨC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Chúng ta phải chỉ ra tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm chưa tốt, nguyên nhân vì sao và tăng cường các chế tài, biện pháp xử lý mạnh thì mới răn đe. Với cán bộ, công chức, đảng viên ngoài chế tài vi phạm hành chính, liệu có cần tích hợp dữ liệu thông báo về địa phương, đánh vào thi đua hay không, chắc chắn đối tượng này sẽ không dám vi phạm nếu động tới thi đua."

Bà NGUYỄN THỊ KIM BÉ, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Cơ sở pháp lý có rồi, nhưng xử lý nghiêm. Chúng ta có xử nguội, đặc biệt với cán bộ công chức, hạ bậc thi đua luôn. Tôi cho rằng chưa nghiêm nên việc chấp hành chưa tốt."

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng đồng tình cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; giải quyết các điểm “đen”, đồng thời chỉ rõ những bất cập trong chính sách pháp luật về giao thông.

Khắc Phục