Những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 21/4 gồm Tây Ban Nha và Đan Mạch cam kết hỗ trợ Ukraine; Nhật Bản, New Zealand ra tuyên bố chung; Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục phong tỏa; Nhiều hoạt động chào mừng sinh nhật nữ hoàng Anh...
TÂY BAN NHA VÀ ĐAN MẠCH CAM KẾT HỖ TRỢ UKRAINE
Hôm 21/4, Thủ tướng Tây Ban Nha và Đan Mạch đã tới thủ đô Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 2 nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.
Sau khi tới Thủ đô của Ukraine, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã xuất hiện cùng nhau trong một đoạn video ngắn được đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của ông Sanchez.
Để thể hiện sự ủng hộ với Kiev, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo, Tây Ban Nha sẽ mở lại đại sứ quán của họ ở Thủ đô Ukraine “trong một vài ngày tới”. Trước đó, đại sứ quán đã tạm dừng hoạt động từ ngày 25/2, viện dẫn lý do an ninh. Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen cho biết bà sẽ cam kết với ông Zelensky về việc tiếp tục giúp đỡ Kiev, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với người dân Ukraine.
Thủ tướng Đan Mạch METTE FREDERIKSEN: "Xin được thông báo cho Tổng thống Zelensky về những đóng góp mới đáng kể của Đan Mạch hôm nay, bao gồm gần 600 triệu krone Đan Mạch, tương đương với 90 triệu USD cho vũ khí. Và điều này nâng tổng đóng góp của quân đội Đan Mạch lên hơn một tỷ krone Đan Mạch”.
Kể từ sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 đến nay, nhiều lãnh đạo châu Âu đã đến thăm Kiev, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson
NHẬT BẢN, NEW ZEALAND RA TUYÊN BỐ CHUNG
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern đã ra tuyên bố chung, đề cập một loạt vấn đề cả hai bên cùng quan tâm.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng New Zealand nhất trí sẽ duy trì sức ép đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời đề nghị Moscow rút các lực lượng khỏi Ukraine. Hai nhà lãnh đạo chung quan điểm phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Tuyên bố chung nêu bật tầm quan trọng của hợp tác giữa quân đội hai nước. Cũng theo tuyên bố chung, Thủ tướng Nhật Bản đã nhất trí với người đồng cấp New Zealand khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ thông tin như một phần của quan hệ hợp tác an ninh song phương.
ĐÀM PHÁN THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN VẪN TRÌ TRỆ
Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, phía Iran khẳng định các vấn đề kỹ thuật trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc đã được giải quyết.
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết, các vấn đề và các cuộc thảo luận kỹ thuật trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ở thủ đô Vienna (Áo) đã hoàn tất. Chỉ còn những vấn đề chính trị vẫn tồn đọng, cản trở các bên tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna trong gần 1 năm qua nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian của các nước Liên minh châu Âu (EU). Các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây trì trệ.
THƯỢNG HẢI (TRUNG QUỐC) TIẾP TỤC PHONG TỎA
Giới chức thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, các hạn chế nghiêm ngặt sẽ vẫn được duy trì cho đến thời điểm hiện tại, ngay cả ở các quận không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Nguyên nhân là do số ca Covid -19 mới ngoài các khu vực cách ly trên toàn thành phố Thượng Hải đã tăng trở lại.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, Phó Thống đốc quận Sùng Minh, khu đảo duy nhất của thành phố trực thuộc Trung ương Thượng Hải, xác nhận, hầu hết các biện pháp hạn chế sẽ được giữ nguyên, mặc dù quận này đã báo cáo không có trường hợp mắc mới nào bên ngoài các khu vực cách ly và 90% trong số 640.000 cư dân của quận về mặt lý thuyết được phép ra khỏi nhà.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Thượng Hải đang bắt đầu mở cửa trở lại và phải hoạt động "quản lý khép kín", theo đó phải ở tại chỗ, thực hiện xét nghiệm hàng ngày và khử trùng nghiêm ngặt.
Ông SONG GANG - Giám đốc sản xuất và vận hành Tesla Thượng Hải: "Chúng tôi sẽ tăng dần công suất sản xuất của mình trong ba hoặc bốn ngày tới, cho đến khi đạt hết công suất trong một ca duy nhất."
Nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ nằm trong số 666 công ty được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và những cơ quan trong ngành cảnh báo rằng, các nhà máy phải đối mặt với áp lực về hậu cần và rất khó để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất đầy đủ.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG SINH NHẬT NỮ HOÀNG ANH
Ngày 21/4 đánh dấu sinh nhật lần thứ 96 của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Sinh nhật của người trị vì nước Anh đã được chào mừng bằng hàng chục loạt đại bác ở 2 địa điểm khác nhau tại Thủ đô London.
Cụ thể, nước Anh thực hiện nghi lễ bắn 62 phát đại bác tại Tháp London và 42 phát đại bác tại Hyde Park. Các Bộ trưởng trong Nội các Anh đã cùng với các thành viên Hoàng gia Anh gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Nữ hoàng Elizabeth II nhân dịp này.
Theo truyền thống Hoàng gia Anh từ thế kỷ 18, Nữ hoàng sẽ được tổ chức một lễ sinh nhật chính thức nữa vào tháng 6 khi thời tiết ấm áp hơn. Lễ sinh nhật chính thức của Nữ hoàng cũng diễn ra trùng với sự kiện 4 ngày chào mừng Lễ Bạch kim đánh dấu 70 năm trị vì của bà. Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người trị vì nước Anh và một số quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung từ ngày 6/2/1952.