Điểm tin quốc tế tối 02/4: Nga rút dần lực lượng khỏi miền Bắc Ukraine

Những tin tức đáng chú ý: Nga rút dần lực lượng khỏi miền Bắc Ukraine; Nga, châu Âu tìm lối thoát cho ràng buộc về năng lượng; Trung Quốc, EU bàn về tình hình Ukraine; Thế giới hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Yemen; Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp; Bùng nổ du lịch thế giới hậu Covid-19; Thế hệ robot giao hàng linh hoạt nhất thế giới

NGA RÚT DẦN LỰC LƯỢNG KHỎI MIỀN BẮC UKRAINE

Nga đang rút dần lực lượng khỏi miền Bắc Ukraine. Đây là thông tin được tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận vào ngày hôm qua. Ông cho hay việc rút quân của Nga được thực hiện chậm nhưng đáng chú ý. Trước đó, quân đội Nga đã trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cho phía Ukraine và bắt đầu rời khu vực sau hơn một tháng tiếp quản. Tại cuộc đàm phán trực tiếp hôm 29/3 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đàm phán Nga nói Mát-x-cơ-va sẽ "giảm mạnh" hoạt động quân sự ở miền bắc Ukraine. 

NGA, CHÂU ÂU TÌM LỐI THOÁT CHO RÀNG BUỘC VỀ NĂNG LƯỢNG 

Ngày 1/4 là thời hạn chót mà Nga đặt ra cho các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán năng lượng bằng đồng rúp nếu không muốn bị cắt nguồn cung thiết yếu. Tuy nhiên, châu Âu đã bác bỏ tối hậu thư của Điện Kremlin và khẳng định sẽ không để bị Nga gây sức ép. Từng ràng buộc nhau về lợi ích, nhưng hiện cả Nga và châu Âu đều đang chật vật tìm lối thoát cho mối quan hệ về năng lượng đã kéo dài nhiều năm qua. Những ngày qua, Nga đã gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng, vào một thời điểm nào đó, nước này có thể sẽ khóa van dầu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Nếu các khoản thanh toán này không được hoàn thành, chúng tôi sẽ coi như người mua không đáp ứng cam kết. Không ai bán miễn phí bất cứ thứ gì cho chúng tôi và chúng tôi cũng không đi làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại.”

Châu Âu mua khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, vận chuyển qua Belarus, Ukraine, Ba Lan hay biển Biển Baltic. Bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào về nguồn cung của Nga đều có thể khiến các nền kinh tế trong khu vực rơi vào suy thoái.

Chuyên gia GEORGE BALL - Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris: “Các nước châu Âu chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Họ nhập khẩu hàng tỷ mét khối khí đốt từ Nga mỗi năm và sẽ không thể sản xuất được khí đốt hóa lỏng hoặc tìm kiếm các nguồn thay thế chỉ trong thời gian rất ngắn. Vấn đề họ gặp phải hiện nay là phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp từ Nga và về lâu dài gần như chắc chắn sẽ phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Xong để xây dựng được năng lượng sản xuất và xuất khẩu, châu Âu có thể sẽ phải mất tới 10  năm và về ngắn hạn, đây là một vấn đề lớn.”

Có thể thấy, “tối hậu thư” của Nga đã gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu, bởi nền kinh tế khu vực sẽ khó có thể hoạt động lâu dài nếu không có năng lượng của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Pháp BRUNO LE MAIRE: “Chúng ta đang đối mặt với một cú sốc năng lượng lớn, một cú sốc tàn khốc dẫn đến việc giá cả ở Pháp, ở Đức và trên khắp châu Âu tăng mạnh.” 

Bộ trưởng Kinh tế Đức ROBERT HABECK: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp mà chúng tôi phải thực hiện trong trường hợp việc cung cấp khí đốt hoặc dầu mỏ của Nga bị dừng lại. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với bất kỳ động thái nào của ông Putin.”

Giá khí đốt tăng cao đang khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hoạt động không có lãi và gây ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình. Người dân nhiều nước đang tích cực tích trữ gỗ và than ngay cả khi những tháng thời tiết lạnh giá của mùa đông đã qua đi.

Người dân Đức: "Gỗ này cho mùa đông sắp tới. Mùa đông này đã qua nhưng cuộc chiến tại Ukriane khiến tôi phải đưa ra các biện pháp đề phòng. Tôi có máy sưởi điện và lò sưởi trong các phòng, nhưng ếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn hoặc thiếu thì tôi cũng có thể tự đảm bảo cho mình.
Đức mới đây kích hoạt kế hoạch khẩn cấp nguồn cung khí đốt, một dấu hiệu lo ngại về việc gián đoạn hoặc dừng nguồn cung khí đốt từ Nga. Kể cả khi nguồn cung ổn định, các công ty và người dân châu Âu cũng được khuyến cáo giảm lượng tiêu thụ năng lượng và cần chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho khả năng nguồn cung bị gián đoạn."

TRUNG QUỐC, EU BÀN VỀ TÌNH HÌNH UKRAINE

Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày hôm qua. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên sau hơn 2 năm và xung đột Ukraine là một trong những vấn đề chính được bàn đến.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố với các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy hòa bình theo "cách riêng của mình”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng EU sẽ đối xử với Trung Quốc một cách "độc lập".  Phía EU kêu gọi Trung Quốc  không để Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga. Trung Quốc lo ngại các nước châu Âu đang áp dụng các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn từ Mỹ và đã kêu gọi EU không chịu sự “can thiệp từ bên ngoài" trong mối quan hệ với Trung Quốc.

THẾ GIỚI HOAN NGHÊNH LỆNH NGỪNG BẮN Ở YEMEN

Liên hợp quốc và chính phủ nhiều nước đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn đạt được mới đây tại Yemen, đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực chấm dứt một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất tại Trung Đông.

Lệnh ngừng bắn tại Yemen có hiệu lực từ ngày hôm nay (2/4) và kéo dài 2 tháng nhằm tạo điều kiện cho người dân đón một tháng lễ Ramadan an toàn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận đạt được. Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ Yemen, Liên minh do Arập Xêút dẫn đầu và lực lượng Houthi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hai tháng ở Yemen. Trong hơn 7 năm, chiến tranh đã tàn phá cuộc sống của hàng triệu người Yemen. Hôm nay phải là ngày khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Yemen. 

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một cánh cửa cơ hội để đảm bảo hòa bình và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo. Dù vậy các chuyên gia phân tích cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu, các bên cần duy trì đối thoại và tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Ông MOHSEN NAJIB - Chuyên gia phân tích chính trị: Không bên nào có thể đạt được bất kỳ lợi ích nào thông qua chiến tranh. Giải pháp duy nhất để thoát khỏi bế tắc là thể hiện thiện chí, đồng ý về một cách tiếp cận chính trị bao gồm các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.”

Theo thỏa thuận đạt được dưới sự thúc đẩy của Liên hợp quốc, liên quân do Arập Xêút đứng đầu và Nhóm phiến quân người Houthi chấp thuận ngừng tất cả các cuộc tấn công quân sự trên không, trên mặt đất và trên biển trong lãnh thổ Yemen. Các bên cũng nhất trí sẽ tiến hành họp bàn về việc mở các tuyến đường tại quốc gia này.

SRI LANKA BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP 

Tổng thống Sri Lanka vừa ban bố tình trạng khẩn cấp, qua đó trao quyền nhiều hơn cho lực lượng an ninh nước này, một ngày sau vụ hàng trăm người cố gắng xông vào dinh thự Tổng thống

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép kích hoạt một số luật cứng rắn để lực lượng an ninh có thể tiến hành bắt giữ các nghi phạm. Trước đó, cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 45 người liên quan đến cuộc bạo động đêm 31/3. Các động thái này xảy ra trong bối cảnh Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 và an ninh đang được thắt chặt tại thủ đô Colombo để ngăn chặn bạo động tái diễn. Lực lượng cảnh sát và quân đội nước này đã được lệnh tăng cường tuần tra trên khắp thủ đô.

BÙNG NỔ DU LỊCH THẾ GIỚI HẬU COVID-19

Từ 1/4,có  thêm nhiều quốc gia mở cửa, miễn cách ly, tạo điều kiện cho việc di chuyển được thuận lợi. Nhiều người đang tận dụng cơ hội này để đi du lịch bù đắp lại thời gian dài bị bó buộc chân. Chính vì thế, cụm từ "du lịch trả thù" hay "du lịch bù đắp" đang trở nên phố biến tại một số nước.

Làn sóng du lịch bắt đầu bùng nổ khi Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch bắt buộc cách ly trong 7 ngày đối với du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Các hãng hàng không và đại lý du lịch cũng ghi nhận sự bùng nổ nhu cầu đặt vé tới nhiều điểm đến ở Châu Âu và Đông Nam Á, nơi mà du khách chỉ cần nộp giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 là được miễn áp dụng các quy định phòng dịch.

Người dân Hàn Quốc: “Tôi thích đi du lịch và tôi đã phải chờ đợi điều này rất lâu. Chính vì các chính sách kiểm dịch được dỡ bỏ và chúng tôi đã được tiêm phòng nên chúng tôi đã đặt vé du lịch đến Ha-oai. Đây là lần thứ hai chúng tôi đến Hawaii. Chúng tôi sẽ khám phá những điểm mà lần trước chúng tôi chưa đến thăm.”

Người dân Hàn Quốc: “Trước đây, tôi thậm chí không dám đi du lịch ngay trong nước bởi mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19. Nhưng bây giờ việc kiểm dịch đã được dỡ bỏ, tôi cảm thấy bớt áp lực hơn, vì vậy tôi sẽ đi gặp bạn bè và tận hưởng chuyến đi của mình.”

Sau làn sóng lây nhiễm kỷ lục, cũng giống như Hàn Quốc, nhiều nước khác trên thế giới bắt đầu áp dụng chính sách nới lỏng các quy định kiểm dịch.

Ông S. ISWARAN - Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore: “Tôi đã gặp những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, những nhân viên mặt đất, nhân viên sân bay, và tôi có thể cảm nhận được sự phấn khích và lạc quan từ họ. Tất cẩ đều muốn nhìn thấy sân bay náo nhiệt trở lại.”

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố bản cập nhật đánh giá về dịch Covid-19, trong đó dự đoán kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm. Cho dù với kịch bản nào thì cùng với thời gian, tình trạng sảnh quốc tế vắng bóng người tại các sân bay trên thế giới sẽ sớm chấm dứt. Các chuyên gia du lịch tin rằng, mọi thứ sẽ dần sớm quay trở lại như trước.

THẾ HỆ ROBOT GIAO HÀNG LINH HOẠT NHẤT THẾ GIỚI

Swiss-Mile, công ty của Phòng thí nghiệm Hệ thống Robot  thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ vừa phát triển ra phiên bản robot thế hệ mới kết hợp chân với bánh xe. Robot này được kỳ vọng sẽ sớm trở thành công cụ giao hàng linh hoạt nhất thế giới.

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Marko Bjelonic dẫn đầu bắt đầu phát triển robot giao hàng từ 6 năm trước. Với khả năng chuyển từ chế độ 4 chân sang 2 chân chỉ trong vài giây, robot có thể dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật như bậc thang, với chân trước biến thành tay linh hoạt thực hiện nhiều thao tác khác nhau.

Ở chế độ hai chân, robot đạt chiều cao 180 cm, có khả năng lập bản đồ dữ liệu trong các tòa nhà, trợ giúp các dịch vụ cứu hộ, gói hàng, đưa hàng hóa vào khay đựng. Khi ở chế độ hoạt động bằng cả 4 chân như một chiếc xe, tốc độ di chuyển của nó có thể đạt tới hơn 20 km/ giờ. Việc trang bị nhiều cảm biến đặc biệt và hệ thống điều khiển AI mạnh mẽ giúp robot lập ra các tuyến đường tốt nhất và học hỏi dần qua thời gian. Đây đều là những đặc điểm thể hiện tính năng linh hoạt nổi trội của robot do Swiss-Mile phát triển. 

Tiến sĩ MARKO BJELONIC: “Và tôi nghĩ về lâu dài, chúng ta cần có những con robot có thể cùng tồn tại với chúng ta trong thế giới này để giải quyết một số vấn đề hoóc búa mà chúng ta thường gặp phải. Con người có thể giao một số công việc cần nhiều sức lực như mang vác nặng cho robot. Tôi luôn hy vọng chúng ta sẽ sớm thấy một tương lai nơi thực sự con người và robot có thể cùng tồn tại.”

Theo đại diện của Swiss-Mile, mẫu robot mới của công ty này đang được đánh giá là có hiệu quả  cao hơn gấp nhiều lần so với các robot giao hàng hiện nay. Mặc dù chưa tiết lộ giá cả, nhưng dự kiến robot này sẽ sớm ra mắt thị trường trong năm nay