Tìm nguyên nhân đằng sau loạt dự án chậm tiến độ ở Đắk Lắk

Nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội. Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến khi Đoàn giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân Sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Đắk Lắk.

Từ năm 2016-2021, tỉnh Đắk Lắk có 771 dự án thực hiện đầu tư. Trong đó, có 90 dự án chậm tiến độ, gồm: 41 dự án sử dụng nguồn Ngân sách Trung ương, 39 dự án sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Trước tình trạng các công trình, dự án chậm tiến độ, kéo dài, đoàn giám sát đề nghị, làm rõ nguyên nhân vấn đề này.

Ông TRẦN VĂN LÂM, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát: Nguyên nhân chậm tiến độ là không bố trí đủ vốn, vậy các đồng chí cho biết tính xác thực của thông tin này? Vì Quốc gia hằng năm luôn thúc đẩy giải ngân, chuyển nguồn hằng năm cũng tăng lên, mà chúng ta không bố trí được vì không có nguồn?”

Ông NGUYỄN HỮU PHÚC, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đắk Lắk: “Trong đó, 41 dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương thì với tỉnh Đắk Lắk thì năm 2016 là cho khởi công mới, năm 2017 thì không có nữa. Năm 2016 thì theo quy định dự án nhóm B không qua 5 năm đến năm 2020 phải kết thúc. Vốn trung hạn của Trung ương giới hạn cho tỉnh chỉ có vậy nên không đủ vốn. Do vậy, sang năm 2021, tỉnh đề xuất trung ương bố trí đủ vốn. Một số dự án nhóm C thì không quá 3 năm nhưng kế hoạch trung hạn chưa đủ vốn nên phải kéo dài ra.”

Đối với một số dự án khác, theo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân chậm tiến độ còn do: vướng mắc giải phóng mặt bằng; hoạt động tư vấn chưa hiệu quả; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết. Cũng trong đợt này, đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế 2 dự án chậm tiến độ tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đó là Dự án hồ thuỷ lợi Ea Tam và Dự án đường Đông Tây.

Kim Liên