Tiêu điểm: Vững vàng đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức

Bước sang năm 2023 với tinh thần không bi quan và cũng không lạc quan. Xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn để xác định tâm thế, nguồn lực đối mặt. Đó là những thông điệp trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức"

Bên cạnh những kết quả khả quan, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như: Từ giữa quý IV, hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm bị ảnh hưởng; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm... Sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022 ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản là những nội dung nổi bật tại Diễn đàn kinh tế Việt nam lần thứ 5. Trong đó đề xuất Tiếp tục sửa đổi Nghị định 65 về về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường là giải pháp nhận được sự đồng thuận từ phía các chuyên gia tới các nhà quản lý.

Có sự liên quan chặt chẽ với nhau nên các giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng liên quan và tương hỗ với các giải pháp cho thị trường bất động sản. Ví thị trường bất động sản hiện nay như một bệnh nhân. Ý kiến chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 cho rằng, để chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh thì trước hết phải làm cho bệnh nhân sống, sau đó khỏe lên rồi mới chữa khỏi. Đối với thị trường bất động sản cần phải tránh nguy cơ đổ vỡ. Các giải pháp chính sách đang được tiến hành hiện nay như nới room tín dụng, thúc đẩy phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp... cần được thực thi một cách kịp thời và hiệu quả. Song song với đó sẽ cần những giải pháp mang tính dài hạn.

Sỹ Cường