Tiêu điểm: Luật Đất đai (sửa đổi): Cần cơ quan thẩm định giá đất độc lập

Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội, Tạp chí Đời sống và Pháp luật vừa tổ chức Hội thảo góp ý Luật Đất đai sửa đổi với chủ đề “Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất".

Một trong những ý kiến nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và chuyên gia là đề xuất về việc cần có cơ quan thẩm định giá đất độc lập. 

Góp ý về "phân cấp thẩm quyền định giá đất" trong dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi, PGS. TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định việc Sở Tài nguyên và Môi trường “được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất…” mà không là “phải thuê”, sẽ khiến bảng giá đất thiếu khách quan.

PGS.TS NGUYỄN THỊ NGA – Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội: "Thuật ngữ “được thuê tổ chức tư vấn và thẩm định giá đất độc lập” chưa thắt chặt trách nhiệm của chính quyền địa phương để đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, quy định của Luật hiện hành phải được sửa ở ngay trong điều 164 của dự thảo, đó là phải có trách nhiệm thuê tổ chức tư vấn, định giá đất độc lập để đảm bảo cơ chế đối trọng, khách quan trong quá trình định giá đất".

Ths. PHAN VĂN LÂM - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Hòa giải, Viện Nghiên cứu và Kinh tế ASEAN, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Pháp luật & Phát triển: "Để đảm bảo khách quan và minh bạch, trong quá trình xây dựng giá đất để giá đất sát với thị trường thì cơ quan tư vấn, xác định giá phải được tham gia vào, và cơ quan này phải mang tính độc lập, đặc biệt tôi lưu ý là các cơ quan này không phải là cơ quan có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước".

Nhận định, giá đất là một trong những công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện quản lý đất đai về kinh tế, điều tiết các quan hệ đất đai theo nguyên tắc thị trường, đồng thời, chống đầu cơ, trục lợi… do đó, trong quá trình xây dựng bảng giá đất, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ là nguyên tắc cần phải có để tạo cơ chế bình đẳng cho mối quan hệ đất đai giữa Nhà nước, Doanh nghiệp và người dân.

Ths. PHAN VĂN LÂM - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Hòa giải, Viện Nghiên cứu và Kinh tế ASEAN, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Pháp luật & Phát triển: "Khi giá đất hợp lý thì đảm bảo được hai yếu tố, thứ nhất là Nhà nước tránh thất thu thuế, bởi giá đất đúng thì Nhà nước sẽ thu được thuế đúng. Thứ hai, nghĩa vụ của người dân và các chủ thể khác khi nộp thuế cho nhà nước thì cũng đủ. Và khi Nhà nước thu hồi đất đai để làm các dự án sẽ có một giá chuẩn sát với giá thị trường, giúp người dân và các chủ thể khác hài lòng".

Trước đó, dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, quy định về bảng giá đất đang có nhiều điểm bất cập, khó thực hiện và thiếu tính đồng bộ.

Minh Quốc