Tiêu điểm FDI: Hiệu quả từ chính sách thu hút vốn FDI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Những số liệu này cho thấy sự đóng góp của FDI đối với nền kinh tế sau 35 năm mở cửa. Sự nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư là minh chứng cho thành công trong thu hút FDI của nước ta

GẦN 70% VỐN FDI MỚI ĐỔ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRONG 7 THÁNG

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Sau 6 tháng khảo sát thị trường doanh nghiệp FDI này đã quyết định đầu tư vào Thái Nguyên. Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6 vừa qua, với số vốn gần 300 triệu USD. Doanh nghiệp chia sẻ Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng để phát triển, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương,chỉ trong thời gian ngắn,doanh nghiệp đã có 2 lần điều chỉnh tăng vốn, và dự kiến sẽ có nhiều lần điều chỉnh hơn nữa trong tương lai.”

Đây là doanh nghiệp có vốn FDI mới lớn thứ 2 tại địa phương này từ đầu năm đến nay. Đặc biệt là sản xuất ra các sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường.

Ông MICHAEL ZHENG, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam: "Các chính sách thu hút đầu tư tại địa phương rất cởi mở và thông thoáng, hỗ trợ rất nhiều cho các DN FDI như chúng tôi, nhờ đó, chúng tôi đã sớm ổn định sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi nghiên cứu tiếp tục mở rộng đầu tư tại Thái Nguyên.”

Bình Dương – “thủ phủ công nghiệp” phía Nam của Việt Nam cũng là 1 ví dụ điển hình. Có thể kể đến tập đoàn LEGO, sau 2 năm nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng các quốc gia trong khu vực, LEGO đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Ông PREBEN ELNEF, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO (Đan Mạch): “Chúng tôi đã quyết định đầu tư vào Bình Dương, và đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi đã xem xét các địa điểm ở Việt Nam, và thấy rằng tỉnh Bình Dương là một lựa chọn tuyệt vời. Họ có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình tốt để phát triển, điều khiến chúng tôi nhìn nhận họ như một đối tác tốt của tập đoàn Lego.”

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/7/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đón 3,98 tỷ USD vốn FDI, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm đạt 11,57 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm. Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, các nhà đầu tư đang ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. 

CẢI THIỆN HẠ TẦNG ĐÓN ĐẦU FDI THẾ HỆ MỚI 

Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, còn nhiều lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Đó là sự cải thiện trong quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm đón thêm nhiều dòng vốn FDI thế hệ mới.

Đẩy mạnh quy hoạch diện tích khu công nghiệp, và hạ tầng được đầu tư kết nối liên vùng hoàn chỉnh là những giải pháp đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành. Câu chuyện định hướng dịch chuyển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Bình Dương hay thúc đẩy tuyến đường liên kết vùng tại Thái Nguyên là những ví dụ điển hình.

Ông VÕ THANH GIÀU, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương:Bàu Bàng đã xây dựng, đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để làm sao đẩy nhanh việc xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư để phát triển các dự án công nghiệp trên địa bàn.”

Ông NGUYỄN TRỌNG HIẾU, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên: “Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến đầu tư các hạ tầng, đặc biệt là các hạ tầng kết nối, các cụm công nghiệp. Ví dụ vừa rồi là đầu tư các hạ tầng giao thông, thứ nhất là liên kết vùng, thứ 2 là đường vành đai cũng đang được triển khai rồi các kết nối giao thông nội bộ rồi các hạ tầng khác liên quan đến các khu công nghiệp được Thái Nguyên rất quan tâm, từ đó mở ra các chính sách đầu tư tốt.”

Bên cạnh đó, thúc đẩy các dự án liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chung quanh các khu, cụm công nghiệp cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Ông PHAN ĐỨC CƯỜNG, Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: “Chúng tôi đang xin ý kiến các Bộ ngành trung ương về quy hoạch chung của khu công nghiệp đô thị và dịch vụ Phú Bình, trong đó quy mô của khu công nghiệp này là 900 ha, trong đó có 675 ha đất công nghiệp còn lại 225 ha phát triển chủ yếu về các hạng mục phụ trợ phục vụ cho phát triển khu công nghiệp như nhà ở chuyên gia, nhà ở công nhân, một số công trình phúc lợi, tất cả được quy hoạch 1 cách đồng bộ.”

Các chuyên gia đánh giá, quy hoạch hạ tầng không chỉ đơn giản là về xây dựng đô thị, mà là thu hút nguồn lực, đáp ứng được yêu cầu sinh sống, học tập và làm việc. Sự tích hợp đầy đủ này chính là yếu tố thu hút hơn nữa dòng vốn FDI.

Lê Hương