• 1936 lượt xem
  • 06:00 27/06/2022
  • Xã hội

Tiêu điểm: Đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới - những điểm sáng, tồn đọng và kỳ vọng trong tương lai

Đô thị là nơi có mật độ dân cư cao, có hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa sôi động, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, vùng lãnh thổ. Quá trình đô thị hóa tạo ra không gian phát triển theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh là xu thế tất yếu.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử...  hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Tới nay, Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại từ đó nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ. 
 
Đô thị hoá và phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung của cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP. Không chỉ thế,  những cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo dần được hình thành, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và những đô thi lớn của cả nước.
 
CHẬM ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC QUY HOẠCH
 
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị vẫn theo chiều rộng là chủ yếu. Từ đó, gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế… Ngoài ra công tác quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn.
 
Văn bản Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng ngày 17/5/2022 đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng của 13 dự án nhà chung cư và nhiều dự án khác dọc tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra, có 12 dự án không bố trí cây xanh, 1 dự án diện tích cây xanh chỉ đạt 10%..., kết quả này cho thấy việc quy hoạch đô thị còn tuỳ tiện, chưa tuân thủ đúng mô hình xanh, thông minh và nhiều yếu tố như văn hoá, cảnh quan đặc thù vẫn chưa được chú trọng, phát triển. 
 
Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Tôi cho rằng, những vi phạm hiện nay ở Hà Nội về việc xây dựng các tòa nhà chung cư mà không đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, về môi trường, về phát triển đô thị thì cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn đó và chúng ta phải thực hiện cho nghiêm. Bởi chúng ta đã có luật và muốn để luật có hiệu lực thi hành thật tốt thì việc xử lý trách nhiệm phải cương quyết, nghiêm minh, có như vậy thì luật mới có hiệu lực và thực sự hiệu quả”.
 
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng đất kém hiệu quả, sai mục đích, điều chỉnh phá vỡ quy hoạch đô thị; hạ tầng giao thông hạ tầng đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
 
Thực trạng này cho thấy chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu; quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng nông thôn mới. Các đô thị vẫn chưa thật sự thích ứng được với biến đổi khí hậu và nhất là năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu. 
 
Ông TRẦN NGỌC CHÍNH, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Vấn đề chất lượng, tỉ lệ đô thị hoá thấp đều do một nguyên nhân khách quan, đấy là thể chế, chính sách cũng như mục tiêu phát triển còn chồng chéo, rất khó cho việc đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và xây dựng đất nước, điều đấy chúng ta cũng nhìn thấy”.
 
PGS.TS TRẦN TRỌNG HANH, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Quy hoạch đô thị trong 35 năm đổi mới vừa qua đã đáp ứng rất nhiều yêu cầu đổi mới đất nước, huy động đc nguồn lực cho đô thị phát triển. Tuy nhiên, tất cả các thể chế đó bước sang giai đoạn mới - giai đoạn bền vững thì nhiều mặt không còn đáp ứng nữa, do vậy cần phải sửa đổi và hoàn thiện trong thời gian tới".
 
Hiện quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hoá còn nhiều hạn chế bởi quá trình đô thị hoá hiện nay mới đạt 40%, thấp hơn mục tiêu 45% đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và còn cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. 
 
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XANH, THÔNG MINH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
 
Thực tế này đòi hỏi cần có 1 nghị quyết mới toàn diện và bao chùm hơn để khắc phục tình trạng. Đầu năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này, đó là Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - là kim chỉ nam cho định hướng và phát triển đô thị ở Việt Nam. 
 
Những điểm nhấn được đặt ra trong nghị quyết đó là phải kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế xin cho, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch cùng với đó là ban hành các cơ chế chính sách mang tính đột phá, vượt trội để phát triển đô thị bền vững.
 
Theo đó, đến năm 2030, kinh tế đô thị đóng góp 85% GDP cả nước, tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50% và số lượng đô thị trên toàn quốc khoảng 1.200 đô thị. Phấn đầu đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất cân đối giữa các vùng miền có khả năng chống chịu thích ứng với biến đổi khí hậu phòng chống thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc xanh, hiện đại thông minh; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. 
 
Ông TRẦN QUỐC THÁI, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: “Việc thúc đẩy các đô thị ở các vùng để giải quyết một phần những nhu cầu của người dân tại các đô thị đó cũng như ở các khu vực lân cận sẽ góp phần giảm tải, giảm bớt sức ép đối với các trung tâm đô thị lớn tăng cường sự liên kết phối hợp hợp tác giữa các đô thị với các đô thị, giữa đô thị với nông thôn, đây là một xu thế cần được thúc đẩy với những biện pháp cụ thể để giải quyết được các mối liên kết bền vững”.
 
Để hoàn thành những mục tiêu này, vấn đề tiên quyết là phải phát triển đô thị theo mạng lưới, phù hợp với từng vùng, ở mỗi đô thị phải có quy mô và dân số hợp lý, đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng phải được ứng dụng mạnh mẽ vào tiến trình này. 
 
Ông TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Bộ Xây dựng và các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển độ thị thông qua các chương trình, đề án ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Sớm triển khai hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị để bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới".
 
Ngoài ra, cần sớm tổng kết mô hình chính quyền đô thị để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế. 
 
Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh: “Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về chính quyền đô thị đã tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh có những kết quả bước đầu tích cực, tuy nhiên cũng còn những vướng mắc. Chúng tôi đề nghị Trung ương có chỉ đạo sơ kết 1 năm chứ không chờ 2 hoặc 3 năm mà cần phải nhận diện ngay những vấn đề khó khăn vướng mắc của chính quyền đô thị”. 
 
Để Nghị quyết 06 sớm đi vào thực tiễn, theo nhiều chuyên gia, điều đầu tiên đó là cần một hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ, đột phá, từ đó mới huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy kinh tế đô thị nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị cần khắc phục được tình trạng tắc đường và ngập lụt, tăng khả năng chống chịu của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nguồn vốn nào để thực hiện quy hoạch cũng phải tính đến… Đặc biệt rất cần sự đổi mới tư duy trong phát triển đô thị bởi đây chính là động lực, nguồn lực để hướng đến tăng trưởng bền vững.

Khánh Hoàng