Tiêu điểm: Chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam có thể tiêu tốn 64 tỷ USD

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nhiệt độ trái đất. Hiện khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu đang được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu này. Việc chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch, tái tạo là con đường tất yếu và quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Ở nước ta, năng lượng là lĩnh vực phát thải carbon nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải toàn quốc. Dự báo đến năm 2030 tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%. Việc chuyển đổi năng lượng là giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết quốc tế của Việt Nam. Nhưng ở nước ta còn có các nhà máy điện vận hành bằng than đá đã được xây dựng từ rất lâu, do đó chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cho các nhà máy này. Mặt khác nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo cũng không hề nhỏ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi phí của lộ trình khử cacbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng, gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo nhưng việc phát triển các nguồn điện này vẫn còn chậm so với tốc độ tăng trưởng của ngành điện toàn cầu. Còn nhiều điểm nghẽn là rào cản cho phát triển nguồn năng lượng này. Hiện có hàng chục dự án điện gió vẫn nằm chờ xác định giá điện. Đặc biệt, nhiều dự án đã sẵn sàng cho phát điện, nhưng vẫn phải đắp chiếu gần một năm qua, điều này khiến cho chủ đầu tư thiệt hại nặng nề.

Việt Nam đã khẳng định và cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia tuyên bố Toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới. Vậy nước ta cần phải triển khai đồng thời các giải pháp gì để việc chuyển đổi này công bằng và bền vững?

Mời quý vị theo dõi video!

Hiền Trang