Tiếp thu tối đa ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Sáng 5/1 Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo đó cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp ở hầu hết các điều, khoản của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 chương, 121 điều, tăng 03 chương và 30 điều so với Luật hiện hành. 

Trình bày báo cáo về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Về bố cục dự thảo Luật đã thiết kế 01 mục riêng về “các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh” tại Chương X. Dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định liên quan nội dung về tài chính y tế. Cụ thể: đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và quy định lộ trình trước ngày 01/01/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Tại Điều 109 của dự thảo Luật đã quy định tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa và quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.

Dự thảo Luật đã ghi nhận hình thức tổ chức Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập với các nhiệm vụ cụ thể; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động như thể hiện tại Điều 25. Đồng thời quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.

Về thời hạn của giấy phép hành nghề, dự thảo Luật quy định, cứ 05 năm 1 lần, người hành nghề thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục; Việc gia hạn có thể được thực hiện trực tuyến. Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng: Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật.

Báo cáo cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép không quy định trong dự thảo Luật sản phẩm dinh dưỡng điều trị cũng như việc bảo hiểm y tế chi trả cho việc sử dụng sản phẩm dinh dưỡng điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em. Đồng thời tiếp thu theo hướng quy định nguyên tắc chung về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.