Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động: Làm rõ đặc thù của Cảnh sát cơ động

Sáng 15/02, tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “biện pháp vũ trang” và sự cần thiết quy định điều này.

Theo báo cáo, về giải thích từ ngữ (Điều 2 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy “biện pháp vũ trang” là 1 trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân năm 2018. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ Điều này. Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách”; làm rõ hơn tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, bổ sung chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của cảnh sát cơ động cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “chuyên trách”. Đối với các ý kiến khác, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định khái quát về chức năng của Cảnh sát cơ động không nhắc lại các nội dung đã có trong Luật Công an nhân dân là phù hợp. 

Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động: Một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2 vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của Cảnh sát cơ động. Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, quy định nhiệm vụ “tuần tra, kiểm soát” là kế thừa khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 58 của Bộ trưởng Bộ Công an. Thời gian qua, công tác này đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm. Do đó, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao. Ngoài ra, một số ý kiến băn khoăn về vai trò chủ trì, phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng và dễ thực hiện, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại tên Điều này là “Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động”, chỉnh lý lại một số nội dung và bỏ khoản 5 như dự thảo tiếp thu, chỉnh lý.