Tiếp cận mới trong giáo dục di sản, lịch sử

Thời gian qua, lịch sử đang trở thành một môn học khô cứng, nặng tính lý thuyết và không thực sự hấp dẫn với các em học sinh và điều này đã đặt ra một yêu cầu bức thiết về những đổi mới trong cách tiếp cận và học lịch sử.

Hoạt động trải nghiệm, thăm quan tại các bảo tàng và di tích lịch sử là một trong những phương cách, cầu nối đưa lịch sử tới gần hơn với các bạn trẻ thông qua những hình ảnh trực quan và cách kể chuyện sinh động. Điều này đã đặt ra yêu cầu đối với các di tích lịch sử, các bảo tàng cần phải chuyển mình và thay đổi để có thể phá bỏ những lối mòn, khoác lên mình những “tấm áo mới” hấp dẫn hơn và độc đáo hơn.  

Trải nghiệm một chuyến thăm quan Nhà tù Hỏa Lò trong không gian của bóng tối với những hoạt động mới lạ như tái hiện hoạt cảnh, được chạm tay vào những hiện vật lịch sử, cảm nhận bầu không khí lạnh lẽo trong phòng giam vương mùi ẩm thấp, ngột ngạt, thiếu ánh sáng… đã khơi dậy trong lòng du khách những cảm xúc bồi hồi.

Thật khó để có cơ hội được đứng dưới bóng mát của chứng tích lịch sử ngót trăm tuổi trong sự tĩnh mịch của đêm tối như thế này để thực sự lắng lòng mình lại cùng tiếng gió, tiếng lá và cả tiếng của lịch sử cha ông truyền vọng về.

Chị LÊ HOÀI THU, Du khách thăm quan: “Dù đã sống ở Hà Nội rất lâu rồi nhưng chuyến hành trình này đem lại cho mình cảm xúc rất trào dâng." 

Không đi theo những tour thăm quan kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” truyền thống, Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò đã có những đổi mới trong cách thức thể hiện, tạo khoảng không gian, thời gian như rộng hơn cho cảm xúc và dài hơn cho những ngẫm ngợi, nghĩ suy. Chính điều này để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách.

Chị NGUYỄN HẢI CHÂU, Du khách thăm quan: “Mình không ngờ nó chân thực và sống động đến vậy… quả thực rất tuyệt vời." 

Một di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận là Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian gần đây cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ thay đổi về khung thời gian tham quan, Hoàng Thành Thăng Long đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động trải nghiệm của du khách.

TS. VŨ ĐỨC LIÊM, Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội: “Những sự đổi mới trong hoạt động của các bảo tàng và di tích đã cho thấy sự nỗ lực của các địa điểm lịch sử với mong muốn tiếp cận gần hơn với công chúng. Đó là sự thay đổi cần thiết nếu chúng ta muốn trở nên hấp dẫn, chuyên biệt và có điểm nhấn hơn,... đó cũng có thể là một phương thức để học lịch sử rất tốt." 

Có thể nói, trong xu hướng xã hội ngày càng mở như hiện nay, việc kết hợp những trải nghiệm mới mẻ, cách thức trưng bày, trình diễn không đi theo lối mòn có thể coi là một bước đi sáng tạo và cũng rất thức thời của các điểm di tích và bảo tàng lịch sử. Với những sự thay đổi phù hợp, các bảo tàng và di tích lịch sử có thể trở thành những cầu nối đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng đặc biệt là công chúng trẻ, để những bài học lịch sử, niềm tự hào của dân tộc được tiếp nối. 

Hải Linh