Tiếng nói cử tri |Số 6|: Người lao động khốn khổ vì doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm

Tại nhiều địa phương thời gian gần đây đã xảy ra các tranh chấp lao động nhằm đề nghị người sử dụng lao động tăng các chế độ đảm bảo đời sống. Đa phần các tranh chấp xảy ra là do chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về bảo hiểm, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. Các khiếu kiện không theo trình tự, thủ tục luật định phát sinh và diễn biến phức tạp.

7 người lao động của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động, không được trả lương, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 7/2018. Người có thâm niên lao động cao nhất cũng hơn 30 năm, trong đó có hơn 20 năm gắn bó với công ty, người trẻ nhất cũng một mình nuôi 2 con nhỏ, ở với mẹ già, cuộc sống rất khó khăn, cơ cực… Mặc dù đã kiến nghị và đối thoại nhiều lần, thậm chí là khởi kiện ra tòa, thế nhưng vụ việc tranh chấp lao động tại công ty này kéo dài cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc.

Sau một thời gian khiếu nại lên các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, người lao động đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, Tòa án đã không thụ lý đơn khởi kiện của họ, vì lý do “đã hết thời hiệu khởi kiện”. Giờ đây, họ đang mong mỏi các cơ quan chức năng cũng như công ty Apromaco Thái Bình tổ chức đối thoại giải quyết nguyện vọng cũng như chế độ, chính sách cho mình.

Năm 2016, Công ty CP Mía đường Hòa Bình hoạt động trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình không chỉ tạo công ăn việc làm mà doanh nghiệp còn góp phần tạo vùng nguyên liệu, kí hợp đồng bao tiêu tạo đầu ra cho cây mía. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu khi Công ty đã trốn đóng Bảo hiểm của người lao động, nợ hàng chục tỷ của hàng trăm người trồng mía nguyên liệu và hàng trăm tỷ của Ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được các cơ quan đưa ra phương án giải quyết thấu đáo nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động.

Hiện nay, trụ sở Công ty CP Mía đường Hòa Bình chỉ còn lại khung cảnh hoang tàn, toàn bộ hệ thống máy móc bị hoen gỉ. Toàn bộ tài sản và nhà máy này đang bị ngân hàng niêm phong và xử lý tài sản thế chấp theo quy định.

Những ý kiến của cử tri có thể phản ánh trực tiếp đến theo địa chỉ: Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc gửi về Ban Biên tập chương trình “Tiếng nói cử tri” – Truyền hình Quốc hội Việt Nam, 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: tiengnoicutri.thqh@gmail.com. SĐT Đường dây nóng: 0862656565.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chương trình!

Trần Tiến