Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Chẳng có ở đâu, việc từ chức nâng lên mức trở thành văn hóa

Tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, hôm nay 6/12, Hội nghị đã nghe quán triệt Nghị quyết số 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kết luận số 45 về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết số 29 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao”. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, tập trung vào các lĩnh vực theo tiêu chí, phù hợp với từng giai đoạn.

Nhấn mạnh giải pháp phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là then chốt, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Trung ương đề ra nhiệm vụ ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước, phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu…

Quán triệt Kết luận số 45 về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia và phát triển các hành lang kinh tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Nhấn mạnh việc nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững sự lãnh đạo, tập trung kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc “quyền lực đi đôi với trách nhiệm”, “quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ: Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã rõ, nhưng triển khai chưa hiệu quả; đặc biệt với Kết luận 20 của Bộ Chính trị đã bước đầu hình thành “văn hóa từ chức”.

Thường trực Ban Bí thư tin tưởng với quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự trong các lĩnh vực mà Nghị quyết kết luận của Trung ương đề cập tới.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Văn Thắng