• 1645 lượt xem
  • 05:07 22/02/2023
  • Kinh tế

Thuế tối thiểu toàn cầu và bài toán thu hút “đại bàng” đối với Việt Nam

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Hiểu nôm na về loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu cải cách thuế này được áp dụng, dự kiến sẽ khoảng 220 tỷ USD trên toàn cầu bị tác động.

Và ngay cả khi chưa được áp dụng, thì nó đã ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư ở quốc gia nào. Vì vậy trong thời gian tới, sự ứng phó của các Chính phủ là cần thiết. Việt Nam – một trong những quốc gia đã trải qua 35 năm thu hút FDI cũng không nằm ngoài xu hướng này. 

Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, đơn cử như Tập đoàn A, có trụ sở tại Hàn Quốc, rót vốn đầu tư vào Việt Nam thì sẽ được miễn thuế 4 năm đầu và hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm. Tuy nhiên, nếu từ năm 2024, Hàn Quốc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì tập đoàn A sẽ phải nộp thêm khoản chênh lệch 5% tiền thuế về Hàn Quốc – nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn. Điều này khiến các ưu đãi thuế tại Việt Nam trở thành vô nghĩa. Các ưu đãi thuế đáng lẽ phải thuộc về nhà đầu tư thì nay lại biến thành nguồn thu của các công ty xuất khẩu vốn.

Hiện các nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng tuyên bố nhiều động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân đại bàng trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Trong trường hợp Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai, cơ hội giành quyền đánh thuế sẽ bị bỏ lỡ. Bởi khi đó các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, bắt đầu từ năm 2024. Quy tắc này nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu, trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó được hưởng ưu đãi thuế hoặc không chịu thuế.

Rõ ràng, quy định này sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam và các quốc gia đang cạnh tranh để trải thảm đỏ, thu hút “đại bàng” đầu tư. Hiện đã bước sang 2023, nếu Việt Nam không có phản ứng chính sách kịp thời, thì sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, cần kịp thời bù đắp bằng các lợi ích thay thế tương xứng với ưu đãi đang hưởng.

Hiện nhiều quốc gia đang áp dụng một số biện pháp như cơ chế Thuế tối thiểu nội địa hạt tiêu chuẩn, hay các hình thức đầu tư mới dựa trên chi phí. Tuy nhiên việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, đảm bảo thống nhất với theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.

Lê Hương