• 2664 lượt xem
  • 04:59 09/04/2022
  • Kinh tế

Chuyên gia hiến kế áp dụng thuế hỗn hợp cho đồ uống có cồn

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành sản xuất đồ uống có cồn không còn phù hợp, cần nghiên cứu để thay đổi, nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng này, đây là một trong những định hướng của chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030, hướng tới mục tiêu giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, tăng nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Nếu giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình 3,8 lít/người/năm thì giai đoạn 2015-2017 đã tăng vọt lên 8,3 lít/người/năm. Trong đó, lượng rượu, bia tiêu thụ chính thức là 3,1 lít/người/năm, còn lượng rượu, bia tiêu thụ không chính thức ước tính lên đến 5,2 lít/người/năm, chiếm 63,85% tổng lượng rượu bia tiêu thụ. Mặt khác, tỉ lệ người lạm dụng rượu bia cũng tăng và đến lúc cần giải pháp hạn chế việc tiêu thụ loại đồ uống này, trong đó có giải pháp là thay đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt, khi phương pháp tính thuế cũ không còn phù hợp với thực tiễn. 

Tiến sỹ LÊ ĐĂNG DOANH, Chuyên gia kinh tế: “Điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát rượu lậu, rượu phi chính thức. Thứ hai, cần tính toán, nếu đánh thuế đồ uống có cồn, hiện tượng buôn lậu thế nào? Nếu đánh thuế, giá rượu bia cao quá, dễ có dòng buôn lậu từ ngoài vào".

Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đơn vị này đã đưa ra 3 kịch bản đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) khả thi có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với xu hướng thế giới.Trong đó, phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít sản phẩm tiêu thụ hay kết hợp đánh thuế suất tuyệt đối tính trên mỗi lít cồn nguyên chất, thay vì mỗi lít sản phẩm tiêu thụ là ưu việt hơn cả.

TS ĐẶNG THỊ THU HOÀI, Trưởng ban nghiên cứu KT ngành và lĩnh vực, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Cần cân nhắc hài hoà khi nào áp dụng tăng thuế, lộ trình thu thuế hỗn hợp cần cân nhắc để doanh nghiệp không bị sốc".

Ông TRẦN VIỆT THẮNG, Giám đốc tài chính công ty Hennessy Việt Nam: “Nhà nước cần cân nhắc có thể chia sẻ với doanh nghiệp cách đánh thuế hỗn hợp đó là phương pháp thuế suất ưu việt, cách đánh thuế này công bằng cho các doanh nghiệp có sản phẩm rượu chất lượng cao”

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã chuyển sang đánh thuế tuyệt đối. các chuyên gia cho rằng khi thực hiện sửa đổi Luật Thuế TTĐB cần xem xét việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp dựa trên số lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối do các ưu điểm vượt trội trong việc giúp đạt các mục tiêu chính sách và phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.
 

Thế Anh