Thực hiện hóa chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9. Nội dung đầu tiên được các đại biểu cho ý kiến là Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022.

Báo cáo cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã có những tiến triển. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng của Việt Nam năm 2022 tăng 04 bậc (từ vị trí thứ 87/146 lên vị trí thứ 83/146 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những tiến bộ rõ rệt. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nhìn chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.

Các đại biểu nhận thấy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Các mục tiêu chiến lược có nhiều cải thiện, với các chỉ số ấn tượng đã đạt và dự kiến đạt vào năm 2025. Các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm để thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới.

Sự quan tâm và nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo còn hạn chế; định kiến giới, bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em gái ngày một diễn biến phức tạp, tăng về số lượng tiếp tục là những thách thức, khó khăn trong công tác bình đẳng giới trong thời gian tới.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, Chính phủ thúc đẩy tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật bình đẳng giới; Sớm có giải pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chuyên trách. Chỉ đạo, xây dựng giải pháp cùng với phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược, nhất là các chỉ tiêu dự kiến không đạt được cho tới năm 2025.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Như Thảo