Thúc đẩy bình đẳng giới: Nam giới đang bị bỏ quên

Nam giới thường bị coi là thủ phạm cản trở sự tiến bộ, những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới chủ yếu tập trung vào phụ nữ mà bỏ quên nam giới, đây là vấn đề đáng chú ý được nhấn mạnh tại Hội thảo khu vực phía Bắc về thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 25/4 tại tỉnh Hà Nam.

Các tham luận  tại Hội thảo đã nêu rõ, vấn đề bình đẳng giới ở nước ta không những không được cải thiện mà thậm chí đi xuống ở một số lĩnh vực. Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 chỉ có 14/22 chỉ tiêu đạt, cả 3 chỉ tiêu về lãnh đạo nữ đều không đạt được. Các cam kết ngân sách cho công tác thực hiện chiến lược quốc gia chưa được thực hiện đầy đủ. 

Qua phân tích, những khoảng cách giới đang tồn tại, các chuyên gia đã chỉ rõ nguyên nhân là do: Chiến lược phát triển vĩ mô chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của bình đẳng giới; các vấn đề giới thường bị coi là các vấn đề của phụ nữ; những khuôn mẫu truyền thống vẫn khá phổ biến trong giáo dục, truyền thông. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, các chương trình chính sách về giới bỏ qua nam giới như một vấn đề của quan hệ giới, trong khi nam giới đang ngày càng chịu nhiều áp lực và có nhiều vấn đề nhưng không được chú ý giải quyết.

TS. KHUẤT THỊ HẢI OANH - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ phát triển Cộng đồng: “Trẻ em trai và đàn ông không được dạy kỹ năng khiến đàn ông bị thiệt thòi, trong khi họ bị dồn trách nhiệm khác, làm cho gánh nặng của nam giới càng nặng nề”.

Ông DƯƠNG XUÂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Cần xem lại vấn đề bình đẳng giới, nam giới chịu nhiều áp lực khác nhau. Nhìn nhận bình đẳng giới là ưu tiên cho phái nữ là không phù hợp”.

Để tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới, theo các chuyên gia, cần tận dụng cơ hội của việc sửa đổi một số luật sắp tới như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội để giải quyết khoảng cách giới và các lĩnh vực cần cải cách; Cần huy động và mở rộng đầy đủ nguồn tài chính công để thực hiện tất cả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2020-2030. 

Đồng thời để thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thời gian tới, cần xóa bỏ những khuôn mẫu, định kiến giới trong giáo dục và đào tạo; thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận cơ hội làm việc, thông tin, công nghệ, thị trường./.

Như Huỳnh