Thừa Thiên - Huế: Tái hiện Lễ hội Tết Cung đình triều Nguyễn

Những năm gần đây, nhiều lễ hội Tết cung đình xưa dưới thời triều Nguyễn đã được tỉnh Thừa Thiên Huế tái hiện, phục dựng, lan tỏa tinh thần văn hóa di sản đến gần hơn với cộng đồng. Hơn cả những lễ hội thuần túy, đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống nhớ ơn nguồn cội từ đó chung tay gìn giữ di sản cho thế hệ trẻ hôm nay.

Một trong những lễ hội báo hiệu bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chính là lễ Thượng nêu hay còn gọi là dựng nêu trong hoàng cung. Vào sáng 23 tháng Chạp, đoàn quan quân rước cây nêu cùng những vật phẩm khác xuất phát từ cửa Hiển Nhơn vào đến Thế Miếu, Đại Nội Huế. Sau những nghi thức truyền thống, cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phong tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Chỉ khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên thì người dân các nơi khác trong kinh thành mới được dựng nêu. Đến mồng 7 Tết làm lễ hạ Nêu, báo hiệu kỳ nghỉ Tết đã hết, triều đình quay trở lại làm việc. Ngày nay, không chỉ trong phạm vi không gian di sản mà nhiều gia đình người Huế cũng phục dựng lễ thượng nêu, báo hiệu Xuân về.

Nhà thơ Hải Hạc Phan: “Đó không chỉ là một lễ cung đình Tết mà còn là biểu tượng của ngày Tết. Khi nhìn vào đó không chỉ là không gian văn hóa của Tết Cung đình xưa được phục dựng lại là cả một tinh thần văn hóa. Nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy niềm vui phấn khởi ngày Tết, tôi là người ở xa quê khi những ngày có lễ thượng nêu cũng là lúc tôi háo hức trở về đón Tết với gia đình”.

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2022, thể hiện một nỗ lực làm ấm du lịch di sản sau những ngày nằm yên vì đại dịch, tại không gian Ngọ Môn diễn ra Lễ Ban sóc. Đây là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc nông vụ, ứng phó thiên tai. Ban đầu lễ phát lịch chỉ dành cho nội bộ triều đình, về sau lịch cũng được ban rộng rãi cho thần dân sử dụng. Sau hơn 180 năm, Lễ Ban sóc được tái hiện mang đến tinh thần nhân văn của người xưa cũng là dịp để du khách trải nghiệm không gian di sản ngày Xuân.

Du khách Phan Thiên Long: “Em là một người rất yêu văn hóa Huế. Và trong khoảng thời gian vừa rồi rất khó để tham gia các sự kiện văn hóa. Rất vui trong ngày mưa như thế này chương trình vẫn được tổ chức suôn sẻ, một chương trình đậm tính lịch sử văn hóa. Em vinh dự khi ở đây và cảm ơn mọi người tạo nên chương trình hôm nay”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình: “Chúng tôi trên cơ sở thay đổi hình thức tổ chức Festival Huế, trên cơ sở tái hiện các lễ mang yếu tố cung đình nhưng gắn với hoạt động dân gian, tôn giáo đi vào cuộc sống bình thường của người dân, phát huy yếu tố cộng đồng và thực hiện xã hội hóa để có thể tổ chức lễ hội quanh năm, phát huy giá trị văn hóa Huế”.

Festival Huế năm nay sẽ không diễn ra theo khoảng thời gian cố định mà trải dài bốn mùa, quanh năm đều có lễ hội. Đây cũng là nỗ lực nhằm khẳng định vị thế của một vùng đất lễ hội, di sản mà ở đó nhiều giá trị truyền thống văn hóa luôn có sức hút mãnh liệt, chờ được khám phá. Và những lễ hội di sản cung đình đầu Xuân chính là những tín hiệu tích cực, báo hiệu một năm 2022 Nhâm Dần khởi sắc hơn đối với nước nhà… /.

Tiểu Bảo