Thừa Thiên Huế: Giữ màu xanh của rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá là nhiệm vụ thiêng liêng

Thừa Thiên Huế là địa phương sở hữu hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái phong phú. Nổi bật hơn cả chính là Rú Chá - khu rừng nguyên sinh ngập mặn duy nhất vẫn còn tồn tại, được mệnh danh là lá phổi xanh của vùng đầm phá Tam Giang.

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh nằm ở cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An, thuộc địa bàn làng Thuận Hòa, xã Hương Phong của thành phố Huế. Với những mảng chá mọc phủ xanh dày đặc, mùa hè nơi đây là điểm đến sinh thái lý tưởng cho những ai muốn tránh nóng bức. Còn mùa đông, Rú Chá trở thành nơi chắn gió bão, che chở cho người dân sống sâu trong các làng mạc nội địa.

Khu rừng này cũng mang lại nguồn lợi sinh kế bền vững cho người dân bản xứ. Thế nên, với ông Đáp, việc gìn giữ màu xanh của Rú Chá là nhiệm vụ thiêng liêng mà ông chưa hề nghĩ đến việc sẽ tạm nghỉ dù chỉ một ngày.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐÁP – xã Hương Phong, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Khi tôi ra ở đây thi cái rú này đã tàn rồi, cây lên chỉ lúp xúp ngang đầu rồi. Tôi cố gắng quản cái rú này cho tốt thì làng Thuận Hòa cũng tránh được sóng gió, đỡ bão lụt, giờ thì ngành Nông nghiệp trồng thêm rừng ngập mặn thì quá quý.”

Ông TRẦN VIẾT CHỨC – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thành phố Huế, tỉnh TT Huế: “Vừa qua được sự quan tâm của cộng đồng, địa phương và sự đồng lòng của người dân trong việc bảo tồn, đặc biệt phát huy giá trị Rú Chá.Đặc biệt có bác Đáp ở đây trên 30 năm rồi bác giúp địa phương bảo tồn Rú Chá này cho còn lại rừng nguyên sinh duy nhất của chúng tôi.”

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững khu rừng ngập mặn Rú Chá, để người dân có thể khai thác sinh kế một cách tốt hơn. Ở đó, người dân vừa đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vừa làm hướng dẫn viên cho khách du lịch. 

Ông NGUYỄN HỮU HUY – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế: “Theo quy hoạch phát triển Rú Chá đã được UBND tỉnh phê duyệt chúng tôi sẽ mở rộng hơn 230 ha, phát triển toàn bộ khu đầm phá Hương Phong, thành khu du lịch sinh thái bền vững kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Khi trồng rừng chúng tôi đã thiết kế các đai ô và xen giữa là đường thủy đạo, thuyền bè có thể lại để nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.”

Rú Chá với những nét đặc trưng, riêng có lại càng ý nghĩa hơn khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, con người càng nỗ lực bảo tồn những giá trị cốt lõi để tồn tại và phát triển. Và trong chiến lược phát triển dựa vào đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, Rú Chá không chỉ là địa chỉ đặc biệt về sinh thái mà còn mang lại nguồn lợi để thúc đẩy kinh tế xã hội trong tương lai.

Tiểu Bảo