Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng ngày 7/6, hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Theo đó, đến năm 2030, cả nước giữ 14 cảng quốc tế như hiện nay và bổ sung hai sân bay Thành Sơn và Biên Hòa là cảng quốc nội. Cả nước sẽ có 16 sân bay quốc nội thay vì 14 như đề xuất trước đó của Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, giai đoạn này có 16 cảng hàng không quốc nội.
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 33 cảng hàng không. Trong 14 cảng quốc tế giai đoạn này không còn Cát Bi mà thay vào đó là cảng Hải Phòng, nằm tại huyện Tiên Lãng. Trong 19 cảng quốc nội có thêm 3 cảng mới Cát Bi, Cao Bằng và cảng thứ hai vùng Thủ đô.
Trước hàng loạt đề xuất xây sân bay của địa phương, Chính phủ cho biết, việc bổ sung quy hoạch sân bay sẽ được xem xét khi đủ điều kiện, trong đó đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và tác động liên quan.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn hợp pháp khác. Các cảng mới sẽ huy động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Cảng hàng không là quy hoạch cuối cùng được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng hai năm qua và được Chính phủ phê duyệt, sau 4 quy hoạch chuyên ngành gồm đường bộ, hàng hải, đường sắt và đường thủy nội địa. Theo dự thảo ban đầu năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước dự kiến có 28 sân bay đến 2030, 31 sân bay đến 2050.
(*) Nguồn: VnExpress