Thiếu cơ chế phát triển liên kết vùng kinh tế miền Trung

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 5 tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn chưa có sự bứt phá rõ nét hoặc chỉ dừng lại ở sự phát triển từng địa phương, cần liên kết vùng bền vững. Ý kiến này được đưa ra tại buổi Toạ đàm "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế Trung ương tổ chức tại Quảng Nam vào chiều 1/7.

Giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức cao (10,25%/năm) nhưng quy mô còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ lệ khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Liên kết vùng còn yếu và thiếu hành lang pháp lý cũng như cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp là trong những nguyên nhân chính được chỉ ra.

Ông TRẦN TUẤN ANH, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Trong bối cảnh mới, tình hình mới của đất nước, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương và có thể nói là đang là “vùng trũng” so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế, như tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định, quy mô nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng, nhất là về mật độ kinh tế.” 

Các địa phương nằm cạnh nhau, có nét tương đồng về tài nguyên, văn hoá dẫn đến lợi thế cạnh tranh khá giống nhau. Do đó, cần nhận thức tầm quan trọng trong đầu tư các trục giao thông kết nối vùng, phát huy vai trò tham vấn của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với Chính phủ và quyết tâm bắt tay vì lợi ích chung của lãnh đạo các địa phương.

Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH, Chuyên gia Kinh tế: "Trong quy hoạch tổng thể vùng thì bố trí lực lượng sản xuất phù hợp để không trùng lặp. Còn nếu trùng lặp thì tạo cơ chế liên kết những anh trùng lắp lại. Ví dụ bây giờ các địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư toàn vùng, chứ không làm riêng cho từng tỉnh, nó sẽ lãng phí nguồn lực.”

Các đại biểu cũng đặt các vấn đề như: chưa có nguồn lực nào từ trung ương cho vùng kinh tế trọng điểm miền trung, thiếu cơ chế chính sách cho nhà đầu tư khi đầu tư liên kết vùng. Đặc biệt là những quy định về “ngân sách địa phương này không được dùng cho địa phương khác” dẫn đến các hoạt động đầu tư giao thông kết nối vùng trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.

Mỹ Phượng - Lê Quang