Thị trường tàu chở dầu sôi động khi dầu Nga bị áp giá trần

Kể từ hôm qua (5/12), nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực thi biện pháp áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga nhập khẩu bằng đường biển.

Ngày 5/12 cũng đánh dấu thời điểm các nước EU ngừng nhập khẩu dầu Nga, tuy nhiên khối này vẫn có các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi việc áp giá trần, thông qua các công ty bảo hiểm hàng hải và vận tải biển, vốn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển dầu Nga đi khắp thế giới. Bối cảnh hiện tại đã khiến cho thị trường tàu chở dầu trở nên sôi động. Báo chí quốc tế đã có những bài viết phân tích về vấn đề này. 

Hãng tin Reuters đăng tải bài viết với tiêu đề “Các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga làm bùng nổ nhu cầu đối với tàu chở dầu cũ”.

Kể từ ngày 5/12, Liên minh châu Âu cấm các công ty và cá nhân trong khối cung cấp dịch vụ tài chính, môi giới, vận chuyển và bảo hiểm để vận chuyển dầu của Nga, nếu như dầu thô được mua trên mức giá trần 60 USD/thùng.

Theo bài viết, khi các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ hàng hải phương Tây tránh xa dầu mỏ của Nga, thì các công ty mới đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này bằng cách mua lại các tàu chở dầu cũ.

Theo Reuters, trong những tháng gần đây, các tàu chở dầu cũ đã được Hy Lạp và Na Uy bán với giá kỷ lục cho những người mua ở Trung Đông và châu Á, trong bối cảnh chi phí chi trả cho các tàu chở dầu từ Nga đến Ấn Độ và Trung Quốc tăng cao.

Trong khi đó, Financial Times dẫn nguồn tin từ các nhà môi giới vận tải biển và các chuyên gia phân tích cho biết, Nga đã mua thêm hơn 100 tàu chở dầu cũ trong năm nay để thành lập một đội tàu nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo công ty tư vấn Rystad, Nga đã mua thêm 103 tàu chở dầu trong năm 2022, trong đó có những tàu từng được sử dụng tại Iran và Venezuela, hai quốc gia cũng chịu lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây.

Bài viết cho rằng, Nga đặt mục tiêu sử dụng đội tàu mới của mình để cung cấp dầu cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này đã tăng cường mua dầu Nga trong bối cảnh lượng dầu Nga đến EU giảm sút.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, Nga vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu chở dầu và có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mức xuất khẩu dầu trong những tháng đầu năm 2023.