Ngày 11/1, Diễn đàn kinh tế thế giới đã công bố "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022", đánh giá những mối đe dọa lớn nhất trên phạm vi quốc tế tác động đến sự phát triển kinh tế thế giới. Trong khi đại dịch COVID-19 được đánh giá là rủi ro lớn nhất trong trung hạn, thì về dài hạn, rủi ro lớn nhất tác động đến thế giới một lần nữa gọi tên “khủng hoảng khí hậu”.
Sau 2 tuần thảo luận căng thẳng, ngày 13/11/2021, các nhà đàm phán về khí hậu đã đạt đồng thuận về việc khẩn trương tăng tốc hành động vì khí hậu. Hiệp ước Khí hậu Glasgow, kết hợp với sự gia tăng tham vọng và hành động từ các quốc gia, đã giúp giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm với, tuy nhiên mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu toàn thế giới chung tay hành động nhanh chóng. Hiệp ước Glasgow được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hành động vì khí hậu. Theo đó, tất cả các quốc gia đã đồng ý trong năm 2022 sẽ xem xét lại và củng cố các mục tiêu phát thải đến năm 2030.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Khoa học đã chỉ ra rõ ràng. Chúng ta biết phải làm gì. Trước tiên, chúng ta phải duy trì mục tiêu 1,5 độ C. Điều này đòi hỏi tham vọng lớn hơn và hành động cụ thể ngay lập tức về giảm thiểu 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Chúng ta không nên ảo tưởng. Nếu không đạt được các cam kết khí hậu, các quốc gia cần xem xét lại các kế hoạch và chính sách khí hậu của mình. Không phải sau mỗi 5 năm, mà phải là hàng năm, từng ngày từng giờ, cho đến khi đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C”.
Ngoài ra, vào ngày bế mạc COP26, Bộ Quy tắc hướng dẫn cách thức thực hiện Thỏa thuận Paris cũng đã được hoàn thành sau 6 năm thảo luận. Việc Bộ Quy tắc được hoàn thiện sẽ cho phép thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris, về một quy trình minh bạch mà dựa trên đó các quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Những cam kết cao nhất về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 trong bối cảnh nước ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn về nguồn lực, tiếp tục chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã thể hiện trách nhiệm cao nhất của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Con đường thực hiện những cam kết sẽ không thể dễ dàng nhưng đó xu hướng tất yếu mà chúng ta không thể đứng ngoài./.