Thế giới đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đến nay đã kéo dài hơn 100 ngày, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người, cuộc xung đột này còn kéo thế giới vào khủng hoảng lương thực và làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC

Tại một khu trại dành cho các gia đình tị nạn ở thị trấn Dollow, Somalia, cậu bé Hassan, 1 tuổi, đang được các nhân viên y tế chăm sóc, do bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Ba tháng trước, Hassan chỉ nặng vỏn vẹn 5,2 kg. Sau ba tháng, cân nặng của cậu bé đã tăng lên 5,6 kg. 
Khả năng hồi phục của Hassan một phần nhờ vào loại bột đậu phộng có tên Plumpy'Nut do các nhà khoa học Pháp phát triển vào những năm 1990 – đã trở thành một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, chi phí bột đậu phộng Plumpy'Nut đã tăng chóng mặt kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Bà RANIA DAGASH - Giám đốc khu vực của UNICEF: Vấn đề cơ bản ở Somali và vùng Sừng Châu Phi vào lúc này là một cuộc khủng hoảng do khí hậu gây ra, đó là hạn hán, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá lương thực, giá nhiên liệu và những thứ khác tăng cao”.

Trước khi xung đột nổ ra, Ukraine là một trong những “vựa lương thực” của thế giới. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cảnh báo, khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái đang mắc kẹt và có nguy cơ bị hỏng ở Ukraine khi cảng biển bị phong tỏa, khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng.

 Ông AMIN AWAD - Điều phối viên về khủng hoảng Ukraine của LHQ: Tác động của xung đột đối với toàn khu vực và thế giới là rất sâu sắc. 1,4 tỉ người có thể bị ảnh hưởng vì thiếu các loại ngũ cốc. Việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine và phân bón từ Nga tác động tiêu cực đến thế giới và gây ra tình trạng lạm phát, khủng hoảng lương thực, tại châu Phi và nhiều quốc gia khác".

KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Không chỉ khủng hoảng lương thực, thế giới còn đang phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng vọt, từ xăng dầu, khí đốt tự nhiên đến than đá. Nhiều người lo ngại, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm những năm 1970 tới nay.

Tại Tây Ban Nha, khi mùa hè đến gần, người dân nước này lại đau đầu với hóa đơn tiền điện tăng vọt, đi kèm với đó là tỷ lệ lạm phát lên tới 9,8% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 1985.

 Giáo sư FERRAN COLL - Đại học Trung tâm Catalonia: "Cuộc sống hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá năng lượng tăng cao. Các nền kinh tế phương Tây dựa vào năng lượng. Vì vậy, chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều".

Cho đến nay, phần lớn nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể chống chọi với giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến một số lựa chọn khó khăn ở Châu Âu, bao gồm cả việc phân chia tỷ lệ sử dụng.

Có thể khẳng định, xung đột Nga-Ukraine đã và đang động trực tiếp tới nền kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn thương mại, đẩy giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, gây bất ổn kinh tế vĩ mô cùng các thách thức an ninh khác.

Anh Tuấn