Thay đổi môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc ngay lúc này có thể gây ra xáo trộn lớn

Trước sự lên tiếng của cử tri và các đại biểu về vấn đề dạy Lịch sử bắt buộc tại cấp THPT, tại phiên họp sáng 23/5, đại diện Chính phủ cũng cho biết, sẽ tiếp thu nội dung này. Tuy nhiên, thay đổi môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc sẽ đặt ra thách thức lớn về sửa đổi tổng thể chương trình. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe ý kiến của ĐBQH về vấn đề này.

 Cần đặt Lịch sử ở đúng vị trí của nó là quan điểm chung của nhiều đại biểu, bởi môn Lịch sử có lợi thế đặc biệt trong việc giáo dục lòng yêu nước và sự hiểu biết về quá khứ. Sự lựa chọn của các học sinh nếu chỉ thực hiện dựa trên sự yêu thích cảm tính có khả năng dẫn đến ảnh hưởng lâu dài với cả thế hệ. Tuy nhiên, chỉ còn 3 tháng nữa là đến năm học mới, việc thay đổi lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc ngay lúc này có thể gây ra xáo trộn lớn.

Bà ĐOÀN THỊ LÊ AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Chúng ta cần có lộ trình hợp lý để điều chỉnh chương trình sách cũng như để đảm bảo phù hợp các yếu tố chuyên môn.”

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Việc lựa chọn môn Lịch sử học như thế nào thì giờ thời gian cũng không còn dài, nhưng tôi cho rằng cần có cách để lắng nghe dư luận nhiều hơn. Lịch sử có thể là môn học có định hướng cũng được nhưng quan trọng là cần giáo dục để các em hiểu về tác động của môn học này đến bản thân.”

Không chỉ đối với môn Lịch sử, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cần thận trọng và có sự phối hợp giám sát chặt chẽ.

Bà ĐẶNG BÍCH NGỌC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: “Chúng ta cần có đánh giá tổng thể để đưa ra chương trình bám sát nhu cầu thực tiễn và phù hợp với nhu cầu học tập của con em. Nhất là với vùng sâu vùng xa, nếu chúng ta không có chương trình phù hợp thì sẽ vướng trong quá trình triển khai thực hiện, gây khó khăn cho các con trong hội nhập quốc tế. Do đó, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện, tham mưu thực hiện tốt đổi mới. Mục tiêu đổi mới phải chất lượng và phù hợp với thực tiễn.”

Tại nghị trường ngày 23/5, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội giám sát việc đổi mới sách giáo khoa phổ thông.

Sỹ Cường